Theo Techinasia, nước tương cùng gạo, rượu vang và trứng lâu nay luôn được xem là những mặt hàng thực phẩm nguy hiểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm giả nhiều nhất tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Tuy nhiên gần đây, các công ty mua sắm trực tuyến hàng đầu như Alibaba và JD đã tìm ra biện pháp mới để chống lại vấn nạn này, đó là sử dụng công nghệ blockchain để phát hiện nguồn gốc thực phẩm.
Dự án này bắt đầu từ chương trình Blockchain IBM-Walmart được hởi động hồi giữa năm ngoái tại Mỹ. Bridget van Kralingen, Phó chủ tịch cấp cao của IBM Industry Platforms, một trong những đối tác của JD chia sẻ: "Blockchain có thể mang lại sự minh bạch cần thiết để giúp thúc đẩy vấn đề an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng".
![Con lợn nhỏ này đã được đưa ra thị trường sau khi xác minh bởi blockchain.](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2017/12/21/nick-karvounis-142021-5198-1513825758.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OHd0iU7rzxelS4ngO75ENg)
Con lợn này đã được đưa ra thị trường sau khi xác minh bởi hệ thống blockchain.
JD mới đây đã tuyên bố việc thử nghiệm có thể áp dụng lên các thực phẩm như thịt lợn và trái cây, khi chúng được lưu thông từ chuỗi cung ứng tới khi lên các kệ hàng. Tuy nhiên hiện tại, người mua hàng chưa thể chạm tay vào hệ thống này để xác thực các hàng hóa ở cửa hiệu bán lẻ.
Thay vào đó, chương trình sẽ tập hợp tất cả dữ liệu về chuỗi cung ứng thực phẩm - thứ thường bị phân mảnh trên các hệ thống khác nhau, thậm chí một số dữ liệu vẫn còn được lưu trên giấy - vào một hệ thống blockchain minh bạch và có thể truy xuất được cho các nhà bán lẻ và người bán tạp phẩm cả theo hình thức trực tuyến và ngoại tuyến.
Geoff Jiang, Phó giám đốc của Ant Financial cho biết: "Nguy cơ làm giả sẽ giảm xuống bởi chi phí của quá trình sao chép sẽ rất cao". Phòng thí nghiệm của Ant Financial đang phát triển giải pháp blockchain cho chuỗi cung ứng của Alibaba. Ông nói rằng trong tình huống một sản phẩm làm giả được tìm thấy, họ có thể theo dõi ngược và tìm ra thủ phạm.
Để làm được điều đó, các công ty thương mại điện tử sẽ sử dụng mã QR và thiết bị đọc mã vạch (RFID), ví dụ chip NFC, tùy thuộc vào nhu cầu của các thương hiệu. Mỗi sản phẩm sẽ có một cuốn hộ chiếu điện tử, ghi lại quá trình vận chuyển qua từng đơn vị trong chuỗi cung ứng.
Mỗi khi sản phẩm thay đổi từ nhà máy sang kho, nhân viên quét mã hoặc thẻ, ghi lại vị trí và đánh dấu thời gian. Khi tới tay khách hàng, người dùng có thể quét để xem lịch sử của sản phẩm và xác minh nguồn gốc của nó thông qua ứng dụng của JD hoặc Alipay. Trong quá trình này, nhiều bên có thể chia sẻ và cập nhật thông tin lên sản phẩm như nhà sản xuất, công ty hậu cần, nhà bán lẻ, khách hàng... Những người muốn làm hàng giả khi đó sẽ phải đối mặt với việc giả mạo cả một cơ sở hạ tầng kỹ thuật đằng sau, chứ không chỉ riêng việc sao chép lại sản phẩm hoặc bao bì.
Ví dụ, thông tin mà khách hàng nhìn thấy trên một miếng thịt bò sẽ là chế độ ăn uống của nó, trọng lượng, giống, thậm chí tên bác sĩ thú ý và nhiều thứ khác. Tất nhiên, với rất nhiều bên liên quan, quá trình hợp tác có thể sẽ rất phức tạp. Đặc biệt khi có một đơn vị trong chuỗi cung ứng không hỗ trợ hệ thống mới này. Ngoài ra, một số công ty cạnh tranh nhau sẽ không muốn chia sẻ các dữ liệu nhạy cảm.
![Ví dụ về thông tin dữ liệu sản phẩm trên thịt bò.](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2017/12/21/Screenshot-145-5163-1513829115.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=q0B3CnAxMyeOygp7k8CueQ)
Ví dụ về thông tin dữ liệu sản phẩm trên thịt bò.
Hiện tại, JD có lợi thế bởi công ty gần như kiểm soát hoàn toàn chuỗi cung ứng trong khi Alibaba sử dụng các công ty hậu cần của bên thứ ba. Tuy nhiên, về mặt công nghệ hệ thống Alipay lại có thể xử lý khối lượng giao dịch lên tới 120.000 mỗi giây, điều mà các đối thủ chưa thể cạnh tranh.
Haibo Sun, giám đốc nghiên cứu và phát triển blockchain tại JD, nói: "Mọi người đều có mong muốn truy xuất nguồn gốc của các loại thực phẩm như sữa, rượu, các phẩm xa xỉ... Tất cả đều ngày càng quan tâm hơn tới vấn đề chất lượng, đặc biệt là ở Trung Quốc".
Vấn nạn hàng giả đang trở nên ngày càng nghiêm trọng ở Trung Quốc và các công ty bán hàng trực tuyến hàng đầu như Alibaba và JD thường xuyên phải "đứng mũi chịu sào" trong các scandal liên quan. Cả hai luôn phải đối mặt với những lời chỉ trích vì không hạn chế được sự tràn làn của các mặt hàng giả mạo, từ quần áo, đĩa DVD cho tới thực phẩm, đồ uống. Hồi đầu năm nay, 14.000 chai rượu vang giả được bán trên trang mạng Alibaba đã gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng người tiêu dùng trong nước.
Blockchain (chuỗi khối) là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Nó được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu bởi thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống blockchain sụp đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin.