Matthew Kuan, đại diện công ty bảo mật Fortinet, cho biết công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đang được ứng dụng trong nhiều ngành và lĩnh vực trên toàn cầu. IDC dự đoán mức chi tiêu dành cho công nghệ này sẽ tăng từ 1,5 tỷ USD năm 2018 lên đến 11,7 tỷ USD năm 2022.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, trở thành nơi nuôi dưỡng cho các ứng dụng Blockchain tân tiến, được thí điểm hoặc sử dụng trong các tổ chức chính phủ, nhà máy điện, bảo mật chuỗi cung ứng và các dự án môi trường.
Tuy nhiên, mỗi công nghệ mới phát triển đều kéo theo những nguy cơ và công nghệ Blockchain cũng không ngoại lệ. Do việc phát triển Blockchain đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế, chúng dần trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các hành vi phá hoại an ninh mạng.
Ông Kuan cho biết có nhiều lỗ hổng trong công nghệ Blockchain. Thứ nhất là việc kiểm soát sự đồng thuận. Trong các mạng lưới phân tán với quyền truy cập hạn chế, sự đồng thuận được hình thành thông qua sự đồng ý của đa số, việc kiểm soát một số lượng lớn khách hàng tham gia có thể cho phép kẻ tấn công phá rối quá trình xác nhận.
Thứ hai, do tính chất phân tán của sổ cái Blockchain, chúng có khả năng bị tổn hại trước các cuộc tấn công từ chối dịch vụ DDoS. Ngay cả khi cuộc tấn công không hoàn toàn đóng quyền truy cập vào Blockchain, chúng vẫn có thể khiến thời gian chờ xử lý quy trình tăng lên vì các điểm nút hoạt động sẽ bận kiểm tra tính hợp lệ của các giao dịch gian lận.
Thứ ba là lỗ hổng trong Sidechain. Những lỗ hổng này có thể gây thiệt hại đến các cổng ra được sử dụng để chuyển các tài sản và tin nhắn giữa Blockchain chính và Sidechain thông qua chốt hai chiều. Ở đây, nếu một giao dịch khóa ban đầu được coi là không hợp lệ, các giao dịch tiếp theo cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ tư là hợp đồng thông minh (Smart Contract) - các chương trình giao dịch tự động chạy trên sổ cái phân tán, thường được xây dựng theo tư duy kinh doanh như chính sách bảo hiểm tự thực hiện và các hợp đồng tương lai về tài chính. Điều này khiến chúng có thể bị lỗi mã hóa, thường liên quan đến các ngôn ngữ lập trình chuyên dụng được dùng để xây dựng những hợp đồng thông minh.
Cuối cùng là lỗ hổng Blockchain riêng tư. Một số doanh nghiệp triển khai các Blockchain riêng bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng mạng sẵn có, dịch vụ dựa trên nền tảng đám mây và đặc quyền truy cập của người dùng. Từ quan điểm của kẻ thù địch, việc phát hiện ra sự tồn tại của một Blockchain riêng có thể tăng thêm động cơ đột nhập bởi kẻ phá hoại sẽ suy đoán rằng phải có thứ gì giá trị ở đó thì người ta mới xây dựng hệ thống an ninh như vậy để bảo vệ nó.
Chuyên gia của Fortinet nhấn mạnh: "Các chuyên gia CNTT và an ninh mạng chắc chắn sẽ phải đối mặt với những bất ngờ không mấy dễ chịu khác trong quá trình làm việc. Dù vậy, họ vẫn có thể thực hiện tốt công việc bằng cách áp dụng những hệ thống bảo mật phù hợp. Biết trước là sẵn sàng trước - như thành ngữ xưa vẫn nói".
Blockchain về cơ bản là một công nghệ phân phối sổ cái. Trong lĩnh vực quản lý tài chính, sổ cái là nguồn tin cậy ghi chép những giao dịch hoặc sự việc xảy ra. Blockchain hoạt động theo nguyên lý tương tự, nhưng được quản lý bởi một bộ các tài nguyên máy tính phân tán làm việc cùng với nhau để duy trì sổ cái đó. Mỗi giao dịch, hoặc khối bên trong đó, được liên kết chặt chẽ bằng cách sử dụng mã hóa khóa công khai hoặc riêng tư và thuật toán xác thực nội bộ, từ đó sinh ra thuật ngữ chuỗi khối (Blockchain). Mỗi khối chứa một hàm băm mật mã của khối trước đó, cùng một nhãn thời gian và dữ liệu giao dịch. Theo thiết kế, một chuỗi khối (blockchain) có khả năng chống lại hành vi sửa đổi dữ liệu. |