Với chủ đề "Xu hướng tương lai và ứng dụng của công nghệ Blockchain trong kinh doanh", hội thảo vừa diễn ra ở Hà Nội đã đem đến bức tranh toàn cảnh, gần gũi của công nghệ chuỗi khối. Sự kiện được tổ chức nhằm giúp những học viên MBA tại BUV có mối quan tâm đến công nghệ của tương lai có thể trao đổi, thảo luận với các chuyên gia đầu ngành về blockchain tại Việt Nam và quốc tế, cập nhật kiến thức kinh doanh thực tiễn bên cạnh chương trình học.
Thị trường tỷ đô
Blockchain là công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu an toàn, dựa trên hệ thống mã hoá, tính năng đặc biệt là không đòi hỏi nhiều bên trung gian xác nhận thông tin. Nhờ chia sẻ dữ liệu minh bạch và có tính bảo mật cao, tiết kiệm chi phí và xác thực tin cậy..., công nghệ này là một trong những xu hướng đột phá, được ứng dụng ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.
Thị trường blockchain ước tính tăng từ 242 triệu USD năm 2016 đến 7.684 tỷ USD vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 79,69%. Cũng theo diễn đàn kinh tế thế giới, tới năm 2025, 10% GDP toàn cầu (khoảng 100 nghìn tỷ USD) sẽ đóng góp công nghệ blockchain, ông Sam Goundar, giảng viên cấp cao tại BUV, tác giả của cuốn sách về blockchain "Blockchain Technologies, Applications And Cryptocurrencies: Current Practice And Future Trends" dẫn ra số liệu.
Theo vị chuyên gia, một nhầm lẫn phổ biến hiện nay là nhiều người cho rằng blockchain và tiền mã hoá là một. Thực tế, tiền ảo là một trong những ứng dụng điển hình của blockchain. Ngoài ra, công nghệ chuỗi khối còn được ứng dụng vào đa dạng các lĩnh vực trong thực tiễn như quản lý và sở hữu bất động sản, quản lý chuỗi cung ứng, chuyển tiền, xác minh nhận dạng số, truy xuất nguồn gốc trong nông nghiệp, Chính phủ điện tử...
Lấy ví dụ trong đại dịch Covid-19, do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, theo ông Sam, nguyên nhân đến từ việc phụ thuộc quá nhiều vào sự can thiệp, quyết định của con người. Vì thế, việc ứng dụng hợp đồng thông minh (Smart Contract) của blockchain, với đặc tính tự động thực hiện các điều khoản, thoả thuận giữa các bên một cách minh bạch, không có sự can thiệp từ bên ngoài, sẽ là giải pháp quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả.
Tiềm năng của blockchain tại Việt Nam
Nhận định về blockchain tại Việt Nam, diễn giả Đỗ Văn Long, CEO Vietnam Blockchain Corporation, cho rằng đây là thời điểm vàng để đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ chuỗi khối.
"Trong vòng 5 năm tới, có khoảng 20 tỷ thiết bị sẽ được kết nối với nhau. Đây là thách thức cho lĩnh vực IT, cho hệ thống dữ liệu, đặt ra yêu cầu về một công nghệ mới giúp kết nối và chia sẻ dữ liệu tin cậy, nhanh chóng, bảo mật hơn, mà blockchain chính là một trong những lời giải", ông Long dẫn chứng.
Chuyên gia cũng dự báo những lĩnh vực sẽ ứng dụng blockchain mạnh mẽ trong nhiều năm tới. Nổi bật là ngành tài chính, khi các giao dịch thực hiện trên nền tảng blockchain chứng minh được độ nhanh, chính xác và tin cậy.
Y tế cũng là một lĩnh vực tiềm năng cho blockchain. Ông Long cho biết Việt Nam đang nghiên cứu, thí điểm ứng dụng blockchain để triển khai "Hộ chiếu Covid". Theo đó, thông tin chứng nhận người đã xét nghiệm an toàn với cộng đồng sẽ được xác thực trên hệ thống chuỗi khối.
Thứ ba là nông nghiệp, cụ thể như truy xuất nguồn gốc nhờ mã QRCode Blockchain trên sản phẩm, đảm bảo sự minh bạch, chất lượng. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia các hiệp định thương mại FTA với yêu cầu cao về nguồn gốc xuất xứ để được miễn thuế. Năm ngoái, Thủ tướng cũng đã ra phê duyệt đề án, đến năm 2025, tối thiểu 30% doanh nghiệp áp dụng truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm bán trên thị trường.
Ông Long lấy ví dụ, năm 2019, 8 tấn xoài đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Mỹ bằng đường hàng không. Điều đặc biệt, để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về truy xuất nguồn gốc và chất lượng, trái xoài được ứng dụng blockchain có tem định danh bằng mã QR Code, dưới sự hỗ trợ của công ty Cổ Phần Vietnam Blockchain (Vietnam Blockchain Corporation). Nhờ vậy, người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin xuất xứ của trái xoài, từ khâu trồng trọt, đến khi thu hoạch và phân phối.
Kết nối cộng đồng blockchain
Theo CEO Vietnam Blockchain Corporation, một thách thức cho việc phát triển blockchain tại Việt Nam đến từ nhận thức. Công nghệ blockchain thường bị biến thể sang nghiên cứu đồng tiền mã hoá, khiến nhiều người sa vào các dự án bán hàng đa cấp. Ngoài ra, pháp lý cho blockchain không theo kịp sự phát triển quá nhanh của công nghệ này. Đây là vấn đề của không chỉ Việt Nam mà còn cả thế giới.
"Tôi mong muốn xây dựng cộng đồng quy tụ những chuyên gia uy tín trong giới, chia sẻ các thông tin, ứng dụng blockchain một cách lành mạnh, cởi mở", ông Long cho biết.
Trong đó, nhiệm vụ 'Thúc đẩy kinh doanh theo lĩnh vực chuyên sâu cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo' thuộc đề án 'Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025' (Đề án 844) của Bộ Khoa học Công Nghệ sẽ là cơ hội để tạo tính lan toả, kết nối phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ Blockchain.
Từng ấp ủ, triển khai nhiều dự án đào tạo về blockchain tại các trường đại học, doanh nghiệp, CEO Vietnam Blockchain Corporation cho rằng việc các trường giảng dạy, phổ biến kiến thức về công nghệ mới cho người trẻ là điều đáng khuyến khích.
"BUV là một trong những trường tỏ ra nhanh nhạy, cấp tiến khi tổ chức chuỗi chuyên đề về blockchain dành riêng cho sinh viên. Thông tin, thuật ngữ về blockchain có rất nhiều trên internet, nhưng cũng dễ dẫn đến hiểu sai. Hội thảo hôm nay của BUV đã đúc kết các từ khóa quan trọng, để các bạn tìm hiểu đúng và nhanh hơn, đồng thời nhìn thấy rõ giá trị, ứng dụng thực tế của blockchain tại Việt Nam và đón đầu tương lai", chuyên gia chia sẻ.
Phạm Vân (Ảnh: BUV)