Theo TechRadar, smartphone mới mang thương hiệu BlackBerry sẽ ra mắt ngay trong nửa đầu 2021. Tuy nhiên, thay vì hướng đến người dùng đại trà, thiết bị mới sẽ dành doanh nghiệp bằng các giải pháp bảo mật đặc trưng của hãng, hỗ trợ mạng 5G mới nhất và bàn phím QWERTY dạng trượt. Máy sẽ chạy Android, thay vì nền tảng riêng của BlackBerry.
Peter Franklin, người sáng lập và CEO OnwardMobility, từng úp mở trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia hồi tháng 2 rằng smartphone 5G mới "sẽ ra mắt vào tháng tới". Thiết bị sẽ "mang nét đặc trưng về giá trị thương hiệu BlackBerry, từ trải nghiệm gõ phím đến bảo mật dữ liệu" và được bán tại Bắc Mỹ và châu Âu.
Smartphone cuối cùng mang thương hiệu BlackBerry đã ra mắt cách đây gần bốn năm. Khi đó, thương hiệu di động đình đám một thời này được tiếp quản bởi TCL của Trung Quốc.
Sau khi "chia tay" TCL hồi đầu 2020, BlackBerry đã đạt thỏa thuận giấy phép nhượng quyền với đối tác mới có tên OnwardMobility - công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Texas. OnwardMobility đã bắt đầu sản xuất smartphone mới cho BlackBerry nhưng không trực tiếp sản xuất mà thông qua FIH Mobile, một công ty con của Foxconn.
Một số chuyên gia dự đoán smartphone BlackBerry có thể tạo điểm nhấn trên thị trường. "Các công ty smartphone đang chạy đua về công nghệ để tăng cường hiệu năng cho sản phẩm của mình, nhưng lại chưa chú trọng vấn đề bảo mật", Jack Gold, chủ tịch kiêm nhà phân tích chính của J. Gold Associates, nhận xét. "Với việc 5G phát triển nhanh chóng, các thiết bị có tính bảo mật cao của BlackBerry sẽ mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp, chính phủ và các ngành nghề đặc thù như tài chính hoặc pháp lý".
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng OnwardMobility cần phải nỗ lực hơn để smartphone 5G của BlackBerry có sự khác biệt giữa một "rừng" sản phẩm có tính cạnh tranh rất cao.
Theo Techradar, nếu ra mắt smartphone 5G mới, OnwardMobility buộc phải chạy đua với các hãng khác cả về thiết kế, tính năng, hiệu năng bên cạnh các đặc trưng của một thiết bị BlackBerry như phím vật lý và độ bảo mật. Ngoài ra, sản phẩm cũng phải có mức giá dễ tiếp cận hơn. Các mẫu BlackBerry dưới thời TCL đã thất bại, một phần vì giá bán cao so với cấu hình và tính năng hạn chế.
Gần đây, LG - một hãng smartphone từng đứng vị trí thứ ba thế giới - đã phải dừng cuộc chơi. Giống LG, BlackBerry cũng từng là một tượng đài về di động. Năm 2010, công ty có thị phần lớn nhất tại Mỹ với 37,3%. Nhưng đến cuối 2012, con số này chỉ còn hơn 7%. Công ty "tuột dốc không phanh" từ đó và rơi vào tay TCL năm 2016, trước khi về OnwardMobility.
Đối với BlackBerry, việc từ bỏ mảng di động và tập trung vào xe tự lái giúp công ty đạt được một số thành công nhất định. Doanh thu của công ty Canada trong quý IV/2020 đạt 215 triệu USD, chủ yếu đến từ QNX - một hệ điều hành thời gian thực dùng cho bộ điều khiển xe lửa, robot y tế, máy thở và ôtô thông minh. BlackBerry cho biết, QNX hiện được sử dụng bởi 23/25 OEM xe điện hàng đầu thế giới - những công ty đang sở hữu 68% thị trường xe điện.
Bảo Lâm tổng hợp