Báo cáo tài chính quý IV/2015 cho thấy, BlackBerry chỉ bán ra khoảng 600.000 thiết bị di động, giảm 14,3% (850.000 thiết bị) so với quý trước và chưa bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Phố Wall nhận định, “Dâu đen” đang thể hiện một biểu đồ “mặt trời lặn” về doanh số điện thoại thông minh khi số liệu liên tục giảm.
Vậy tại sao trong khi lĩnh vực phần mềm và dịch vụ tăng trưởng, mảng điện thoại di động vốn là chủ chốt lại giảm, dù đã “trọng dụng” nền tảng Android thay vì BlackBerry OS? Liệu họ đã thất bại với nền tảng nhiều người dùng nhất thế giới này?
Trước khi tung ra BlackBerry Priv (chiếc smartphone Android đầu tiên của BlackBerry), Giám đốc điều hành BlackBerry, John Chen, từng nói rằng, hãng phải bán được hơn 3 triệu thiết bị mới có thể thu hồi vốn. Tuy nhiên, mục tiêu đó đến nay có vẻ chỉ là sự “hoang tưởng”, dù trước đó, vào năm 2010, hãng đã bán được tới 14,5 triệu smartphone. Riêng chiếc Priv cũng không đạt doanh số bán hàng như dự kiến dù khi mới ra mắt, không ít người chú ý.
Theo Forbes, nhiều ý kiến nói rằng dù là smartphone chạy Android với các thông số kỹ thuật chưa đến mức “đỉnh” nhất hiện nay, giá bán của Priv vẫn rất cao, hơn 700 USD. Tất nhiên, một thiết bị mà tính năng nghèo nàn, ít đột phá cộng thêm giá “trên trời” sẽ không hấp dẫn người mua và những con số trong bản báo cáo tài chính vừa qua cũng đã cho thấy điều đó. Việc doanh số bán hàng thấp cho thấy nó đã thất bại và nên “ra đi” trong năm 2016 này để nhường đường cho các sản phẩm khác, hoặc BlackBerry nên ít tập trung cho nó hơn.
Theo Cnet, BlackBerry có thể sẽ tiếp tục sử dụng nền tảng Android cho các sản phẩm di động tiếp theo của mình. Tay bút Roger Cheng của trang web này nhận định, nhiều khả năng hãng sẽ tập trung các thiết bị ở phân khúc tầm trung thay vì cao cấp như hiện tại để tăng sức cạnh tranh, dù thị trường này đã gần như bão hòa.
“Sẽ rất khó cho BlackBerry khi tấn công vào thị trường smartphone Android tầm trung, bởi đây là phân khúc khá nhạy cảm, đặc biệt là về giá. Không những thế, hãng này cần phải có chiến lược cạnh tranh bài bản hơn so với hiện tại nếu không muốn thất bại”, Roger Cheng cho biết.
Phần mềm và dịch vụ (đặc biệt là các bộ ứng dụng bảo mật cho Android) đang mang lại lợi nhuận cho BlackBerry và sẽ còn tăng trưởng đáng kể trong năm 2016. Trong khi đó, việc sản xuất smartphone đang tốn rất nhiều tiền bạc nhưng không mang lại doanh thu, thậm chí là thua lỗ. Có thể, BlackBerry nên nghĩ đến việc dừng sản xuất điện thoại di động, đặc biệt là sản phẩm chạy Android, để tập trung vào các lĩnh vực đang ăn nên làm ra khác.
Thu Hằng