Wendy McElroy, một phụ nữ sống ở vùng Ontario (Canada) đã sẵn sàng cho mọi kịch bản ngày tận thế mà cô có thể nghĩ ra. Trong hầm rượu tại trang trại, các loại đồ hộp, thực phẩm đủ dùng trong một năm được xếp chồng lên nhau một cách cẩn thận. Tuy nhiên, khác với trước đây, giờ kế hoạch sinh tồn của cô phụ thuộc cả vào Internet khi một phần tài sản đã được chuyển sang mua Bitcoin phòng trường hợp "nền văn minh sụp đổ".
Trên các vùng nông thôn khác ở Bắc Mỹ, nhiều người cũng đang làm như McElroy khi cố gắng tích trữ tài sản của mình sang dạng tiền kỹ thuật số thay vì giấu vàng và tiền trong két dưới tầng hầm. Mặc dù họ sẽ không thể truy cập vào mạng và sử dụng tiền ảo của mình ngay khi thảm hoạ xảy bởi các lý do như mạng lưới điện hay Internet gặp vấn đề, tất cả vẫn tin rằng nếu còn sống sót thì Bitcoin sẽ là thứ sẽ vượt qua được sự sụp đổ của các nền kinh tế, đại dịch toàn cầu, biến đổi khí hậu hay thậm chí cả chiến tranh hạt nhân.
"Tôi coi Bitcoin là một đồng tiền ngang bằng với vàng", McElroy chia sẻ. "Nó cho phép các cá nhân trở thành những người tự chủ chi tiêu. Khi tôi hiểu đầy đủ các khái niệm và ý nghĩa của nó, Bitcoin đã trở thành một niềm đam mê".
Theo Bloomberg, dường như trực giác của những người ủng hộ Bitcoin hăng hái nhất đều cho rằng trong tương lai cơ sở hạ tầng công cộng sẽ sụp đổ bởi khủng hoảng xã hội và chính trị.
Điều này bất chấp việc đồng tiền ảo này vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi như một phương thức thanh toán và các chi phí giao dịch cao khiến cho việc sử dụng nó với các nhà cung cấp không thuận tiện. Thế nhưng chính nhờ có sự ủng hộ tán dương Bitcoin như loại tiền có thể thay thế USD hay euro trong tương lai, giá trị của nó đã tăng gấp 10 lần trong 12 tháng qua.
Tom Martin, một lái xe tải từ Washington, người điều hành một trang web dành cho những người quan tâm đến các kỹ năng sinh tồn để đối phó với các thời điểm xấu như khủng hoảng kinh tế, chính trị (còn gọi là prepper), nói: "Cách đây không lâu, những người trong cộng đồng prepper đã tích cực cảnh báo về tiền ảo và bây giờ họ lại đang đầu tư vào nó. Để có thể tồn tại trước thảm hoạ".
"Miễn là lưới điện vẫn còn, mọi người sẽ tiếp tục sử dụng Bitcoin", anh nói thêm.
Bên cạnh vàng, bạc và cổ phiếu, Martin giờ đầu tư cả vào nhiều loại tiền ảo khác nhau vì cho rằng chúng dễ sử dụng khi di chuyển mọi nơi, khó ăn cắp hơn và mang lại sự bảo vệ tốt hơn trong trường hợp có sự đổ vỡ xã hội, đặc biệt khi đồng USD sụp đổ. Anh tin rằng Bitcoin có thể chịu đựng được mọi áp lực thông qua sức mạnh của công nghệ blockchain, một sổ cái công cộng và vô danh ghi lại mọi giao dịch bitcoin đơn lẻ.
Các cuộc thảo luận về những ưu và nhược điểm của việc đầu tư vào tiền ảo đã xuất hiện trên các diễn đàn về sinh tồn trong năm nay, khi đồng bitcoin bắt đầu tăng lên trên mức 7.000 USD. "Mua Bitcoin" bây giờ là cụm từ tìm kiếm phổ biến hơn cả "mua vàng" trên Google. Đây có thể là lý do khiến doanh thu từ các đồng tiền vàng của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất thập kỷ, chỉ trong ba tháng đầu năm 2017. Và các nguồn cung cấp bitcoin bắt đầu xuất hiện bên cạnh các cuộc giao dịch kim loại quý giá.
Philip Newman, người nghiên cứu về kinh doanh kim loại quý và là một trong những người sáng lập công ty nghiên cứu Metals Focus, cho biết điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến thị trường. "Mọi người nhìn thấy giá Bitcoin tăng như bay lên mặt trăng. Không ai nghĩ rằng vàng có thể làm được như vậy". Và để thu hút các nhà đầu tư, một số tài sản kỹ thuật số đã được phát triển bên cạnh vàng vật chất.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn khó để tưởng tượng việc mọi người sẽ chi tiêu các đồng tiền ảo để mua thức ăn hay nước đóng chai tại siêu thị trong khi nhà họ không có điện để sạc smartphone hay kết nối Internet.
"Tôi nghi ngờ việc Bitcoin có thể là nơi ẩn náu an toàn trong một hoàn cảnh môi trường đầy rủi ro. Bitcoin không phải là vàng", Charlie Morris, Giám đốc đầu tư của quỹ Newscape Capital Advisors cho biết.
"Bitcoin cũng không đạt được khối lượng đủ lớn để được coi là một đồng tiền có thể đầu tư", theo Mark Haefele từ công ty dịch vụ tài chính toàn cầu UBS Group AG. "Tổng số tiền ảo thậm chí chưa đủ kích cỡ để so sánh với một đồng tiền loại nhỏ".
Tuy nhiên, các "prepper" không quan tâm tới việc này. Họ có đủ lương thực và vật tư để duy trì cuộc sống của mình hàng tháng, thậm chí nhiều năm và có thể chờ đợi một cơ cấu quản lý nào đó đứng lên sau thiên tai sẽ ưu tiên cho việc vực dậy nền kinh tế bằng tiền ảo.
"Nó có thể khó khăn, có thể không truy cập được trong một thời gian, nhưng một khi mọi thứ bắt đầu trở lại ở mức độ bình thường thì blockchain sẽ trở lại như thời điểm trước thảm hoạ", Rob Harvey, một nhà đầu tư bitcoin đang chuẩn bị cho các thảm họa tự nhiên và cả thảm họa hạt nhân bằng cách học các kỹ năng sinh tồn, như tạo ra lửa. "Blockchain không cần một nơi cụ thể hoặc một người cụ thể để tồn tại. Đó là một chiến thuật sinh tồn mạnh mẽ", anh khẳng định.
Và sự quan tâm đến tiền ảo đã bắt đầu thâm nhập tới mọi nơi. Khi Morris khảo sát hàng trăm giám đốc điều hành tham dự hội nghị thường niên của Hiệp hội Ngân hàng Bullion hồi tháng 10, một trong số 10 người cho biết họ thích sở hữu Bitcoin hơn là vàng nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra.
McElroy có niềm tin vào Bitcoin. Cô đã viết một cuốn sách mang tên "Cách mạng Satoshi", lấy cảm hứng từ bút danh của người (hoặc những người) được cho là đã tạo ra Bitcoin năm 2009 với nội dung giống như một câu trả lời cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Cô nói rằng đồng tiền số đã phá vỡ sự lệ thuộc của xã hội vào một quốc gia sử dụng sự độc quyền trong việc phát hành tiền để thống trị nền kinh tế, khiến cho nó trở thành một hàng rào tự nhiên có thể chống lại thiên tai.
"Đó là đồng tiền của mọi người", bà viết trong phần giới thiệu cuốn sách. "Bitcoin di chuyển liền mạch thông qua một thế giới mà không có tiểu bang hoặc biên giới, chỉ tuân theo lệnh của các cá nhân, những người chọn nó để giao dịch với nhau. Nó miễn dịch với việc thao túng tiền tệ và lạm phát, không phục vụ các tầng lớp hùng mạnh với có chi phí phù hợp với những người bình thường".