Tiền số đang bị bán tháo tại thị trường châu Á. Hiện tại, mỗi Bitcoin được giao dịch quanh mốc 38.600 USD, giảm 7,7% trong 24h qua, theo Coinmarketcap. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021.
Đà giảm của Bitcoin cũng khiến thị trường tiền số đỏ lửa. Đồng tiền số lớn thứ nhì thế giới, Ethereum giảm hơn 9%, xuống dưới 3.000 USD. Vốn hoá thị trường tiền số bốc hơi khoảng 1.000 tỷ USD so với mức đỉnh hồi tháng 11.
Theo CoinGlass, gần 600 triệu USD tiền số bị bán tháo trong 12 giờ qua. Trong đó, Bitcoin dẫn đầu với 250 triệu USD, tiếp theo là Ether với 163 triệu USD, Sol khoảng 10,9 triệu USD.
Các chiến lược gia Sean Farrell và Will McEvoy tại Fundstrat Digital Asset Research cho rằng Bitcoin và thị trường tiền số vẫn bị phụ thuộc vào những thay đổi bất thường của các biến số vĩ mô. Hôm 20/1, Ngân hàng trung ương Nga đề xuất cấm sử dụng và khai thác tiền điện tử trên lãnh thổ nước này. Họ cho rằng loại tiền này có nguy cơ đối với "sự ổn định tài chính và chủ quyền chính sách tiền tệ".
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng cũng khiến nhà đầu tư rời bỏ tài sản rủi ro, như chứng khoán hay Bitcoin. Bên cạnh đó, Bitcoin được coi là công cụ phòng trừ lạm phát khi các chính phủ kích thích kinh tế. Vì thế, sức hấp dẫn của Bitcoin gần đây giảm dần khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị rút các chính sách nới lỏng tiền tệ.
Giá Bitcoin hiện đã giảm 40% so với đỉnh hơn 67.500 USD tháng 11 năm ngoái. Một số chuyên gia cảnh báo tiền số này có thể sớm rơi vào vòng xoáy giảm, khi giới chức các nước siết quy định kiểm soát và biến động giá lớn ảnh hưởng đến triển vọng của Bitcoin.
Trung Quốc năm ngoái đã cấm tất cả hoạt động liên quan đến tiền số. Giới chức Mỹ cũng siết kiểm soát nhiều lĩnh vực của thị trường này.
Anh Tú