Biểu đồ giá của hai mặt hàng này hoàn toàn trái ngược, đặc biệt khi vào mùa thu. Việc này càng củng cố đồn đoán rằng Bitcoin đang ăn mòn nhu cầu vàng. Hiện tại, dù giá Bitcoin chỉ còn quanh 8.000 USD, nghi ngờ này vẫn còn tồn tại.
Từ hàng thế kỷ nay, vàng đã giữ vai trò rất đặc biệt - là một dạng tiền tệ, công cụ tích trữ giá trị, thi thoảng để đầu tư, hoặc làm tài sản thay thế cổ phiếu và trái phiếu. Chưa loại tài sản nào có thể giữ vị thế trong thời gian dài như vậy. Đối thủ tiềm năng mới nhất của vàng là Bitcoin - tiền ảo được tạo ra năm 2009 với mã nguồn mở cho dạng thanh toán phi tập trung.
Năm ngoái, khi giá Bitcoin tăng vọt từ gần 1.000 USD đầu năm lên sát 20.000 USD giữa tháng 12, nhiều người cho rằng Bitcoin đang chiếm ngôi của vàng trong vai trò công cụ tích trữ giá trị và thay thế tiền giấy. Thời gian đó, giá Bitcoin liên tục tăng, trong khi vàng chỉ loanh quanh 1.200 USD một ounce, bất chấp căng thẳng địa chính trị.
Pete Thomas - Phó giám đốc cấp cao của Zaner Precious Metals cho biết trong đợt tăng giá của Bitcoin năm ngoái, một số khách thường mua vàng hàng tháng chỗ ông nói rằng đang cân nhắc mua Bitcoin thay thế. Ông cũng nghe được từ các nhân viên môi giới khác rằng họ nhận thấy nhu cầu Bitcoin đang vượt vàng.
Thomas tiết lộ một trong những khách hàng lâu năm của mình - một nhà buôn xu lớn trên thế giới cũng nhận thấy nhu cầu đang chuyển dịch. “Ông ấy nói với chúng tôi rằng 20% việc kinh doanh hiện là tiền kỹ thuật số. Mọi người đến gặp nhân viên môi giới và đổi vàng để mua tiền kỹ thuật số”, Thómas cho biết.
Will Rhind - đồng sáng lập kiêm CEO GraniteShares thì cho rằng khi giá Bitcoin tăng, nhu cầu vàng có thể giảm đi phần nào. Tuy nhiên, Bitcoin sẽ không phải là “zero-sum game” (cuộc chơi có tổng bằng 0) với vàng. “Chắc chắn có những người đầu tư hoặc mua cả hai, nhưng thị phần hai bên sẽ không có mấy khác biệt đâu”, ông cho biết.
Joe Foster - Giám đốc quản lý danh mục đầu tư kiêm chiến lược gia kim loại quý tại VanEck không đồng tình với quan điểm nhà đầu tư đang đổi vàng lấy Bitcoin. Ông cho biết chưa nhận thấy có dấu hiệu rõ ràng chuyện này đang diễn ra.
“Chẳng có số liệu giao dịch nào cho thấy điều đó hết. Tôi thậm chí chưa xem được cuộc phỏng vấn nào có ai nói rằng họ đang bán vàng để mua Bitcoin. Với tôi, đó chỉ là những lời đồn đoán khi Bitcoin đang tăng còn vàng thì dao động ít. Người ta cho rằng mọi người hẳn đang chạy khỏi vàng và mua Bitcoin”, Foster nói. Theo ông, còn nhiều nguyên nhân khác khiến vàng năm ngoái không tăng mạnh, nổi bật nhất là chứng khoán khởi sắc.
Trong báo cáo Xu hướng Vàng quý IV/2017, Hiệp hội Vàng thế giới (WGC) cho biết nhu cầu vàng toàn cầu năm ngoái giảm 7%, còn nhu cầu ETF vàng chỉ bằng một phần ba năm 2016.
Rhind và Thomas cho rằng những người thích Bitcoin bị thu hút bởi tốc độ tăng phi mã của nó, hơn là coi nó như một công cụ phòng trừ rủi ro như vàng. “Gần như ai cũng cho rằng Bitcoin tăng nhanh thế kia thì không nên lỡ cơ hội. Chẳng ai nói với tôi là nó an toàn cả”, Thomas cho biết.
Nếu nhà đầu tư nhận thấy sự tương tự giữa Bitcoin và vàng, điều đó khả năng cao đến từ nguồn cung. Số Bitcoin được thiết kế để giảm dần, trong khi tốc độ khai thác vàng cũng đang giảm. WGC cho biết hàng năm, trung bình khoảng 3.200 tấn vàng được tạo ra, giúp bổ sung khoảng 1,7% tổng vàng trên thế giới.
“Tốc độ tăng trưởng giảm dần của Bitcoin, cùng số đồng hạn chế rõ ràng là các đặc tính thu hút, tương tự sự quý hiếm và tăng trưởng hàng năm thấp của vàng”, WGC nhận xét trong báo cáo.
Foster cho rằng suy nghĩ Bitcoin là đối thủ của vàng là vô căn cứ. “Từ hàng thế kỷ nay, vàng đã được coi là công cụ tích trữ giá trị an toàn. Ngày nay, vàng được dùng làm công cụ phòng trừ khi có rủi ro tài chính hệ thống. Tôi chưa thấy ai cho rằng Bitcoin có thể phòng chống rủi ro tài chính, khi bản thân nó biến động rất lớn, và nó cũng có lịch sử rất ngắn”.
Ông cho rằng thị trường vàng đang bị kìm hãm vì chứng khoán tăng điểm và nhà đầu tư ít lo ngại về rủi ro thị trường tài chính. Trong 12-18 tháng tới, chứng khoán có thể điều chỉnh, nhiều dấu hiệu kinh tế đi xuống sẽ xuất hiện và vàng sẽ lại đi lên.
Hà Thu (theo CNBC)