Quyết định chi tiếp hơn 120 triệu đồng để mua thêm ba "trâu cày" Bitcoin, anh Phạm Đức Hoàng (Vũ Thư, Thái Bình), tỏ ra lạc quan vào giá trị của tiền điện tử. "Cuối tháng 9, tôi đánh liều mua hai máy 'đào' với giá gần 90 triệu đồng. Sau hơn hai tháng 'đào' được bốn đồng ETH, nhờ giá tăng mạnh mà thu về 40 triệu đồng", anh Hoàng cho biết. "Thấy lợi nhuận cao nên tôi tiếp tục đầu tư thêm".
Máy đào Bitcoin có cấu trúc như một chiếc máy vi tính nhưng được trang bị nhiều card đồ hoạ (VGA). Thông thường, một "trâu cày" dùng sáu VGA, loại "khủng" hơn có thể được lắp tám hoặc tới 13 card. Thiết bị được cho hoạt động liên tục nhằm giải mã chuỗi khối và được "trả công" bằng Bitcoin, Ethereum, Monero... hay các loại tiền điện tử khác.
Để "đào" khoẻ, VGA dùng cho "trâu" thường là các dòng card đời mới như AMD RX 470, RX 580... hay Nvidia 1060, 1070, 1080... của các thương hiệu MSI, HIS, Sapphire, Asus, Gigabyte... Đây cũng là thành phần đắt nhất của máy đào với giá từ 4 triệu đến vài trục triệu cho mỗi VGA. Trong khi đó các thành phần như ổ cứng, bo mạch chủ, chip xử lý... thì chỉ cần cấu hình bình thường. Như vậy, mỗi "trâu cày" Bitcoin thường có giá từ 40 triệu đến cả trăm triệu đồng.
Bên trong một "xưởng" cày tiền điện tử tại Việt Nam. Video: Bùi Quang Tuân.
Phong trào "tậu trâu" cày Bitcoin nở rộ ở Việt Nam từ nhiều tháng qua và tiếp tục tăng trưởng mạnh. Anh Luân, chủ một cửa hàng vi tính ở Đại La (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết mỗi ngày anh có thể bán được vài chục máy đào tiền điện tử. "Từ gần năm nay, chúng tôi hầu như tập trung lắp "trâu" chứ ít còn kinh doanh máy tính thông thường", anh nói.
Theo anh Luân, với giá ở thời điểm hiện tại, mỗi máy đào có thể đem về lợi nhuận khoảng 10% cho người đầu tư. Chẳng hạn, một "trâu" dùng card RX 470 có giá khoảng 46 triệu đồng, một tháng sẽ đào được khoảng 15 đồng ETC có giá tầm 20 USD mỗi đồng. Nếu đào và bán luôn thì một tháng thu về 300 USD (khoảng 6,8 triệu đồng), lợi nhuận tầm 5,3 triệu đồng khi đã trừ đi chi phí 1,5 triệu tiền điện.
"Giá Bitcoin và các đồng tiền điện tử khác có xu hướng tăng nên người nào 'đào' được, tích trữ rồi chờ giá cao mới bán thì lợi nhuận còn có thể nhiều hơn", anh Luân chia sẻ. "Việc 'đào' ngày càng khó khăn hơn khi có thêm nhiều người tham gia, tuy nhiên, mức lợi nhuận có thể giữ ở quanh mức 10% nhờ giá coin tăng".
Theo một số trung tâm bán thiết bị "cày" Bitcoin, so với đợt tháng tám, tháng chín, giá "trâu" hiện tại đã "hạ nhiệt" hơn nhờ nguồn cung VGA dồi dào, nhiều bên trước chỉ làm máy tính thông thường cũng nhảy vào bán "trâu" nên đưa ra mức giá thiết bị canh tranh. Số lượng người đầu tư vào lĩnh vực này tiếp tục tăng nhờ giá Bitcoin liên tục lập đỉnh mới.
"Có mức lợi nhuận hấp dẫn song việc "tậu trâu" cày Bitcoin cũng đi kèm rủi ro", Anh Thành, chủ một "trang trại" với hơn 100 máy đào ở Sơn Tây (Hà Nội), đánh giá. "Máy phải hoạt động liên tục 24/24, chạy hết thậm chí là quá công suất (overclock VGA) nên độ bền và độ ổn định thường không cao. Chưa kể đến máy tiêu thụ nhiều điện, toả nhiệt nhiệt cao nên vị trí lắp đặt cũng cần chuyên biệt".
Anh Thành cho rằng người đầu tư "trâu cày" Bitcoin nên tự trang bị kiến thức và tính toán lợi nhuận chứ không nên tin hoàn toàn vào thông tin của "lái trâu" - người bán máy. "Số đồng coin 'đào' được sẽ giảm đi mỗi ngày, giá coin có thể xuống đáy, nên lợi nhuận tính trên giấy như 'đếm cua trong lỗ' vậy", anh nhận định. "Việc vay vốn để đầu tư với 'tay ngang', người không chuyên càng nên cân nhắc".
Bitcoin là một loại tiền kỹ thuật số phân cấp, được phát hành bởi một người (hoặc nhóm) có biệt danh Satoshi Nakamoto. Nó có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào. Tất cả giao dịch mua và bán đều được cập nhật trên hệ thống lưu trữ máy tính ngang hàng, được gọi là blockchain - một "sổ cái" điện tử ghi lại số dư của mỗi tài khoản và lịch sử tất cả tài khoản tham gia giao dịch trước đó. |