Bitcoin được bí mật tạo ra trên Internet từ năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng nó chỉ thực sự bùng nổ trong năm nay. Từ xuất phát điểm chỉ gần 1.000 USD một đồng ngày 1/1, giá tiền kỹ thuật số này có lúc lên tới hơn 20.000 USD. Rất nhiều người đã trở thành triệu phú, thậm chí tỷ phú trong năm nay, nhờ sở hữu Bitcoin.
Nếu nhìn từ bên ngoài, đà tăng phi mã của giá tiền ảo này trong nửa năm cuối có vẻ rất khó tin và thiếu cơ sở. Dù vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng sức tăng này đã được tạo đà từ khá lâu.
Năm 2016, giá Bitcoin tăng gấp đôi. Khối lượng giao dịch cũng nâng dần đều về cuối năm, chủ yếu từ sau sự kiện người Anh bỏ phiếu chọn rời Liên minh châu Âu (EU).
Việc này đã khiến giới phân tích dự báo khá mạnh bạo cho năm 2017. Trong khảo sát của CoinDesk - website theo dõi giá Bitcoin từ 4 sàn giao dịch lớn trên thế giới, các nhà phân tích đều dự báo giá tăng gấp đôi hoặc gấp ba, lên "2.000 - 3.000 USD", "chốt năm ở 2.000 USD" hoặc "hướng tới 1.400 USD cuối năm". Người dự báo hào phóng nhất là Bobby Lee - CEO BTCC, với "mức tăng nhiều lần", so với đỉnh 1.150 USD hồi tháng 12/2013.
Dù vậy, tất cả đều kém xa mức tăng thật sự - 20 lần - của đồng tiền này năm nay. Rất khó xác định được một yếu tố nhất định khiến Bitcoin tăng phi mã. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng các sự kiện đầu năm có thể đã tạo đà cho việc này.
Bitcoin nhận được cú hích sau khi ông Donald Trump bất ngờ đắc cử Tổng thống Mỹ. Việc ông đề xuất đánh thuế tiền chuyển từ Mỹ sang Mexico đã khiến nhu cầu sử dụng tiền ảo tăng vọt.
Trong khi giá đồng peso Mexico mất tới 20% giai đoạn tháng 11/2016 - tháng 2/2017, khối lượng giao dịch Bitcoin trên sàn Bitso nước này lại tăng gần gấp 4 lên 16.800 đồng hồi tháng 3. Thời điểm này, giá Bitcoin trên CoinDesk chỉ nhích nhẹ, lên quanh 1.200 USD.
Đến tháng 4, Bitcoin nhận được cú hích mới, khi Nhật Bản chấp nhận tiền ảo này là công cụ thanh toán. Cùng tháng đó, Nga cho biết có thể công nhận Bitcoin và các tiền ảo khác năm 2018, để chống lại nạn rửa tiền. Những tin tức này đã giúp giá Bitcoin dần đi lên.
Sang mùa hè, nhà đầu tư bắt đầu phấn khích với tiền ảo. Dù giới phân tích trước đó chỉ nhận định giá cuối năm lên 1.500 USD, Bitcoin thực tế đã chạm mốc 3.000 USD hồi tháng 6. Trên CNBC, Ronnie Moas - nhà sáng lập Standpoint Research khi ấy nhận định Bitcoin có thể sớm lên 5.000 USD. "Điều tồi tệ hơn cả việc mất tiền vào tiền ảo, đó là không làm gì cả", Moass cho biết.
Dù vậy, Bitcoin đã có một mùa hè đầy sóng gió, khi các nhà phát triển chuẩn bị cho tương lai của tiền ảo. Trong khi hệ thống thẻ tín dụng có thể xử lý khoảng 56.000 giao dịch mỗi giây, hệ thống Bitcoin chỉ có thể làm được 7. Tăng quy mô là vấn đề chính của Bitcoin trong thời điểm này.
Việc này đã tạo nên mâu thuẫn trong cộng đồng Bitcoin. Một nhóm nhỏ, chủ yếu gồm các thợ đào Bitcoin tại Trung Quốc bất mãn với các cải tiến được đề xuất với công nghệ hiện tại của Bitcoin. Họ đã khởi động quá trình "fork" - tách đôi. Theo đó, blockchain (khối chuỗi) - sổ cái ghi lại mọi giao dịch Bitcoin - sẽ được chia làm hai.
Đến đầu tháng 8, Bitcoin Cash ra đời, với kích cỡ khối gấp 8 lần Bitcoin. Điều này có nghĩa số dữ liệu được xử lý tại một thời điểm sẽ nhiều hơn, từ đó đẩy nhanh tốc độ giao dịch. Trước đó, các thợ đào và nhà phát triển phần mềm đã đồng ý thực hiện một bản nâng cấp có tên Bitcoin Improvement Proposal (BIP) 91, nhằm tăng hiệu suất sử dụng một khối của Bitcoin. Ngoài đợt chia tách này, Bitcoin còn có nhiều đợt phân đôi khác về sau, nhưng ít nổi tiếng hơn, tạo ra Bitcoin Gold, Bitcoin Diamond, United Bitcoin và Lightning Bitcoin.
Vốn nổi tiếng là tiền ảo có biến động giá mạnh, sự xuất hiện của Bitcoin Cash khiến Bitcoin có lúc mất giá tới 2.000 USD chỉ trong 4 ngày đầu tháng 11. Dù vậy, niềm tin của nhà đầu tư vào tương lai Bitcoin trong ngành tài chính đã khiến tiền ảo này trở lại quỹ đạo tăng.
2 tháng sau, Bitcoin chạm mốc 5.000 USD. Giới truyền thông bắt đầu đưa tin ồ ạt về mức tăng này. Các tên tuổi lớn trong giới tài chính bắt đầu nói về nó như một đề xuất nghiêm túc, còn thị trường đã bàn đến việc ra mắt hợp đồng tương lai Bitcoin. Sự ra mắt sản phẩm phái sinh cho tiền kỹ thuật số sẽ là bước đi quan trọng trong việc công nhận Bitcoin như là một loại tài sản hợp pháp.
Từ nửa cuối tháng 11, giá Bitcoin bắt đầu tăng mạnh, một phần nhờ sự quan tâm lên cao của các nhà đầu tư trong dịp lễ Tạ ơn và Black Friday. Giá liên tiếp vượt 9.000 USD, 10.000 USD, 11.000 USD và 12.000 USD chỉ trong hơn một tuần.
Coinbase - sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất nước Mỹ đã có thêm 100.000 tài khoản trong 2 ngày trước Black Friday. Nhờ dịp lễ Tạ ơn, tổng số lượng tài khoản trên Coinbase đã lên đến 13,1 triệu cuối tháng 11.
Ba ngày trước khi CBOE – một trong những sàn giao dịch lớn nhất thế giới ra mắt hợp đồng tương lai cho tiền ảo, Bitcoin lại có phiên tăng kỷ lục. Giá lên gần 20.000 USD từ 16.000 USD chỉ sau 90 phút trên Coinbase.
Tuy nhiên, sàn giao dịch này tạm dừng hoạt động ngay sau đó vì quá tải lượng truy cập. Trezor – một dịch vụ ví điện tử cũng đăng trên Twitter rằng hệ thống máy chủ của họ đang gặp "trục trặc nhỏ". Còn Bitfinex – sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới cho biết đã bị tấn công từ chối dịch vụ từ vài ngày nay. Các sự cố này khiến Bitcoin lập tức mất giá vài nghìn USD.
Ngày 10/12, CBOE chính thức đưa lên sàn hợp đồng tương lai Bitcoin. Giá Bitcoin giao tháng 1 lập tức nhảy vọt 26% ngay trong phiên đầu tiên. Một tuần sau, Bitcoin lên sàn tương lai lớn nhất thế giới - CME.
Những động thái này càng giúp Bitcoin tăng giá mạnh. Do đây là lần đầu tiên một sàn do Chính phủ điều tiết bật đèn xanh cho việc giao dịch một chứng khoán liên quan đến Bitcoin.
Bitcoin tăng giá đã biến rất nhiều người thành triệu phú, thậm chí tỷ phú. Số liệu từ Google Trends cho thấy lượt tìm kiếm "Bitcoin là gì" bắt đầu tăng vọt từ cuối tháng 11. Nhiều người bắt đầu coi đây là kênh kiếm tiền nhanh, và đổ xô mở tài khoản giao dịch, khiến các sàn lớn liên tục gặp sự cố vì hệ thống quá tải. Ngày càng nhiều công ty trên thế giới chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo, từ mua cà phê, pizza đến mua nhà, trả lương.
Dù vậy, tin tức về Bitcoin không phải lúc nào cũng mang tính tích cực. Hàng loạt vụ đột nhập, đánh cắp Bitcoin đã diễn ra trên toàn cầu. Sàn Youbit (Hàn Quốc) phải nộp đơn xin phá sản tuần trước vì mất tới 17% tài sản. Hãng phân phối game bản quyền trực tuyến lớn nhất thế giới Steam hồi đầu tháng bất ngờ tuyên bố không hỗ trợ thanh toán bằng Bitcoin, do giá biến động mạnh và phí giao dịch quá cao. Một báo cáo về lượng tiêu thụ điện khổng lồ của các máy đào Bitcoin cũng khiến giới quan sát lo ngại.
Tuần trước là tuần sóng gió nhất với Bitcoin nói chung và tiền kỹ thuật số nói riêng. Ngay sau khi đạt đỉnh, Bitcoin liên tục lao dốc, có thời điểm mất tới cả nghìn USD mỗi giờ.
Ngày 22/12, tiền ảo phổ biến nhất thế giới xuống tới 10.400 USD trên Coinbase, thấp hơn 44% so với đỉnh đạt được trước đó một tuần. Gần như toàn bộ tiền ảo khác cũng mất giá hàng chục phần trăm, khi nhà đầu tư được cho là bán chốt lời cuối năm.
Bitcoin vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi trên toàn cầu. Nhiều người cho rằng tiền kỹ thuật số này là tương lai của tài chính và tiền tệ thế giới. Trong khi đó, người khác lại gọi đây là "trò lừa đảo" hay "bong bóng của những bong bóng" và khẳng định Bitcoin sẽ không có kết cục tốt đẹp. Cả CEO của JP Morgan Chase - Jamie Dimon và huyền thoại đầu tư Warren Buffett đều tỏ ra hoài nghi về tiền ảo này.
Trong khi đó, trên CNBC, cựu giám đốc quỹ đầu tư Fortress - Michael Novogratz cho rằng đồng tiền này có thể chạm 40.000 USD cuối năm tới. Moas thì khẳng định giá này phải lên 400.000 USD. Sàn Nasdaq còn thông báo kế hoạch tham gia thị trường Bitcoin tương lai trong nửa đầu năm 2018.
2017 được đánh giá là một năm không thể tin nổi của tiền ảo này. Tuy nhiên, khi Bitcoin vốn nổi tiếng là đồng tiền có diễn biến bất ngờ, chẳng ai biết chuyện gì sẽ có thể xảy ra trong năm tới.
Hà Thu (tổng hợp)