"Pfizer và BioNTech đã hành động từ nhiều tháng trước để có thể điều chỉnh vaccine mRNA trong vòng 6 tuần và vận chuyển các lô hàng đầu tiên trong 100 ngày, nếu xuất hiện biến chủng thoát được hệ miễn dịch", công ty Đức BioNTech cho biết trong thông báo hôm 26/11.
BioNTech bổ sung rằng họ đang kiểm tra xem liệu vaccine Covid-19 mà công ty hợp tác phát triển với hãng dược phẩm Mỹ Pfizer có hiệu quả với biến chủng Omicron hay không. Kết luận dự kiến được đưa ra trong vòng 2 tuần.
B.1.1.529, biến chủng nCoV mới được phát hiện lần đầu tại Botswana vào ngày 11/11, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên là Omicron và xếp vào danh sách biến chủng đáng lo ngại, mức nghiêm trọng nhất. Omicron có tới 32 đột biến trong protein gai, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng nhiễm và tốc độ lây lan của virus, cũng như khiến tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn.
Hãng dược phẩm Mỹ Moderna cho biết họ cũng đang thử nghiệm 3 ứng viên vaccine tăng cường, với mục tiêu phát triển loại vaccine tăng cường mới dành riêng cho biến chủng Omicron.
"Ngay từ đầu chúng tôi đã nói rằng trong lúc tìm cách đánh bại đại dịch, chúng ta bắt buộc phải chủ động khi virus tiến hóa. Các đột biến trong biến chủng Omicron đang gây lo ngại. Chúng tôi đang hành động nhanh nhất có thể để thực hiện chiến lược xử lý biến chủng này", Stephane Bancel, giám đốc điều hành của Moderna, cho hay.
Hãng Johnson & Johnson cũng xác nhận đang thử nghiệm hiệu quả vaccine Covid-19 của họ trước biến chủng mới, để đánh giá liệu có cần cập nhật vaccine hay không. Trong khi đó, hãng AstraZeneca đang tiến hành nghiên cứu tại Botswana và Eswatini, các nước phía nam châu Phi đã phát hiện biến chủng Omicron, nhằm thu thập dữ liệu thực tế về hiệu quả của vaccine AstraZeneca trước biến chủng mới.
Nỗi lo ngại biến chủng Omicron đã thúc đẩy hàng loạt quốc gia áp hạn chế đi lại đối với các nước phía nam châu Phi. Tuy nhiên, Bộ Y tế Nam Phi gọi động thái gấp rút áp đặt các lệnh cấm đi lại là "hà khắc".
Ánh Ngọc (Theo Guardian)