Chiếc bình xịt không phun xà phòng cho người đàn ông da màu. Video: Twitter.
Chukwuemeka Afigbo, một nhà quản lý của Facebook ở khu vực Trung Đông và châu Phi, chia sẻ video quay cảnh bình xịt tự động không cấp xà phòng cho người đàn ông da màu trên mạng xã hội Twitter hôm 16/8, theo Sun. Đoạn video làm dấy lên nhiều tranh cãi về sự phân biệt chủng tộc và thiếu đa dạng trong công nghệ.
Video bắt đầu với cảnh một người đàn ông da trắng để tay bên dưới bình xịt và ngay lập tức nhận được xà phòng. Sau đó, một người đàn ông da màu cũng đưa tay tới gần vòi xịt theo nhiều hướng khác nhau suốt hơn 10 giây nhưng xà phòng không được bơm ra.
Afigbo không tiết lộ đó có phải bàn tay của anh hay không. Để chứng minh màu da là lý do khiến bình xịt không hoạt động, Afigbo đặt tờ khăn giấy trắng bên dưới chiếc máy và chiếc bình lập tức xịt xà phòng.
Dòng tweet của Afigbo được chia sẻ hơn 93.000 lần với 1.800 bình luận trong khi video thu hút hơn 1,86 triệu lượt xem, kéo theo cuộc tranh luận gay gắt giữa những người dùng mạng xã hội. Nhiều người liên tưởng sự việc với căng thẳng sắc tộc ở Mỹ và nhấn mạnh đây là một vấn đề xã hội. Tuy nhiên, cách hoạt động của loại bình xịt xà phòng này không liên quan đến phân biệt chủng tộc.
Chiếc bình xịt là sản phẩm của Shenzhen Yuekun Technology, một nhà sản xuất Trung Quốc. Theo thông tin kỹ thuật, bình sử dụng cảm biến hồng ngoại để phát hiện bàn tay và xịt xà phòng. Do cách thiết kế, cảm biến hồng ngoại thường xuyên không thể phát hiện tông da màu tối. Các cảm biến hoạt động bằng cách đo ánh sáng hồng ngoại phát ra từ những đồ vật trong trường quan sát.
Thông thường, bình xịt xà phòng chiếu ánh sáng khả kiến từ bóng đèn LED hồng ngoại và phản ứng khi bàn tay phản chiếu ánh sáng ngược trở lại cảm biến. Da tối màu có thể hấp thụ ánh sáng thay vì phản chiếu lại, khiến xà phòng không được bơm ra.
"Nếu đồ vật hấp thụ ánh sáng, cảm biến không thể được kích hoạt bởi nó không nhận đủ ánh sáng", Richard Whitney, phó giám đốc phụ trách sản phẩm ở công ty Particle cho biết.
Phương Hoa