Sau gần một tháng tăng giá liên tục lên 75.000 đồng, hai ngày nay, giá thịt lợn về dưới 70.000 đồng một kg.
Sự chỉ đạo kịp thời này là có cơ sở, bởi năm 2020, với giá thịt lợn tăng 57,2%, CPI chung tăng 1,94%. Rõ ràng thịt lợn là một mặt hàng thiết yếu, tác động rất lớn đến đời sống, nhất là trong bối cảnh lạm phát toàn cầu vẫn tăng nhanh và Việt Nam, với độ mở nền kinh tế cao, đang "nhập khẩu" lạm phát.
Giá cả hàng hóa và lạm phát toàn cầu "nóng lên", chủ yếu do đứt gãy nguồn cung và các lệnh trừng phạt còn kéo dài xuất phát từ xung đột tại Ukraine. Theo World Bank, từ đầu năm đến hết tháng 6/2022, giá nhiều nhóm hàng hóa tăng mạnh như: giá năng lượng tăng 41%, giá nông sản tăng 8,6%, giá lương thực tăng 13,2%, giá phân bón tăng 10,3%...
Lạm phát toàn cầu lập kỷ lục trong nhiều năm ở nhiều quốc gia. Tháng 6/2022, lạm phát của Mỹ tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái - mức kỷ lục trong vòng 41 năm; lạm phát châu Âu ở mức 8,6% - cao nhất trong vòng 30 năm; các quốc gia châu Á cũng đối diện bài toán lạm phát cao nhất trong vòng 10-20 năm như Lào tăng 23,6% (so với cùng kỳ 2021), Thái Lan tăng 7,1%, Ấn Độ 7%, Hàn Quốc 6%, Philippines 5,4%...
Theo Tổng cục Thống kê, bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,44%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,54%), phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Đà tăng giá và lạm phát của Việt Nam có "độ trễ" so với thế giới song đã rõ nét trong cuộc sống, chi tiêu hàng ngày của người dân. Có vẻ lạm phát của Việt Nam còn ở mức thấp, chưa phản ánh sát diễn biến thị trường nhưng điều này là có cơ sở, do nhiều nguyên nhân. Lượng cung tiền ra nền kinh tế trong 6 tháng ở mức khá thấp (3,51%) và vòng quay tiền tăng chậm (0,4 lần, thấp hơn mức 0,75 lần năm 2021 và mức 1,2 lần năm 2011 - khi lạm phát cao). Giá xăng dầu Việt Nam được điều tiết, hỗ trợ bằng nhiều hình thức và hiện vẫn ở mức thấp hơn nhiều nước trong khu vực; nhiều mặt hàng khác cũng được bình ổn giá, giảm thuế, phí từ đầu năm.
Cơ cấu rổ hàng hóa tính CPI của Việt Nam cũng có sự khác biệt so với quốc tế (tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi quốc gia). Thí dụ, tỷ trọng nhóm giao thông trong rổ tính CPI của Việt Nam (9,7%), thấp hơn nhiều so với Mỹ (22%), Thái Lan (22,7%), Singapore (17%) hay EU (16%). Tương tự, lương thực - thực phẩm và dịch vụ ăn uống của Việt Nam chiếm đến 33,6% trong khi đó của Mỹ là 20,5%, Trung Quốc (19,9%)...
Việt Nam có sự chủ động, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, y tế...) trong khi những mặt hàng này đang tăng giá khá mạnh (13% từ đầu năm). Việc điều tiết giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cũng được tiến hành thận trọng, khá đồng bộ (chưa được tăng giá điện, một số chi phí dịch vụ y tế, giáo dục...). Khâu phối hợp chính sách (nhất là giữa chính sách tài khóa, tiền tệ, giá cả) ngày càng nhịp nhàng, hiệu quả hơn.
Ngoài ra, khả năng kiểm soát tỷ giá tương đối ổn định (đồng Việt Nam mất giá khoảng 2,5% từ đầu năm đến nay, trong khi nhiều đồng tiền mất giá 3-18%) cũng góp phần kiểm soát lạm phát.
Áp lực lạm phát, tỷ giá còn tăng vẫn khá lớn, có thể vượt 4%, nếu kiểm soát không tốt. Tuy nhiên, Việt Nam còn ở vị thế chủ động và có dư địa để kiểm soát lạm phát với ba yếu tố hỗ trợ. Một là, kỳ vọng đà tăng giá cả hàng hóa thế giới sẽ chậm lại và việc điều tiết giá cả hàng hóa trong nước sẽ ngày càng hiệu quả. Theo dự báo của IMF, giá hàng hóa thế giới dự báo tăng chậm lại từ cuối 2022 và giảm dần từ 2023 (giá dầu bình quân dự báo giảm khoảng 10%). Cùng với đó, xung đột tại Ukraina được kỳ vọng lắng dịu hơn, khủng hoảng năng lượng tại các nước được chú trọng khắc phục một cách tích cực (thông qua đa dạng hóa nguồn cung, đối tác, tăng sản lượng, tiết kiệm...).
Hai là, tỷ giá và mặt bằng lãi suất được giữ cơ bản ổn định, góp phần kiềm chế đà tăng lạm phát. Ba là, cùng với việc nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, Việt Nam có thể xem xét giảm tiếp một số thuế, phí đối với mặt hàng xăng dầu, qua đó hỗ trợ ổn định giá cả.
Bài toán đặt ra lúc này là không chủ quan với lạm phát, nhưng cũng không thể ứng xử thái quá, thắt chặt mọi thứ; hệ quả của động thái "hạ cánh cứng" sẽ khiến Chương trình phục hồi của Quốc hội, Chính phủ bị giảm tác dụng, doanh nghiệp, người dân khó tiếp cận vốn và nguồn lực khác trong khi sức chịu đựng còn yếu ớt, dẫn đến hệ lụy "tự ta làm khó ta".
Lạm phát năm nay chủ yếu là do chi phí đẩy, do đứt gãy chuỗi cung ứng khiến thiếu nguồn cung, giá cả tăng, trong khi lạm phát cơ bản (do yếu tố tiền tệ còn ở mức khá thấp, tăng 1,44% bình quân 7 tháng và cả năm khoảng 2-2,5%).
Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm soát việc một số lĩnh vực, mặt hàng chậm giảm giá sau khi giá xăng dầu đã giảm mạnh. Độ trễ này có thể phụ thuộc vào nhiều lý do, nhưng xét về mối quan hệ "nước lên, thuyền lên; nước xuống, thuyền xuống" thì các lý do xem ra chưa thuyết phục.
Tăng cường truyền thông nhằm giảm thiểu tâm lý quá lo sợ lạm phát, giảm hiện tượng tranh thủ té nước theo mưa, đầu cơ gây bất ổn thị trường... cũng là yếu tố cần chú ý.
Khó có hy vọng lạm phát giảm nhanh trên toàn cầu, nhưng trong bối cảnh của Việt Nam, nên bình tĩnh mà chống lạm phát.
Cấn Văn Lực