Vốn là đặc sản địa phương, cùng với sự đầu tư cả về thời gian và công sức đi sâu nghiên cứu nuôi trồng, áp dụng chuẩn chất lượng theo chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, OCOP, trái thanh long của nhiều hợp tác xã tại Bình Thuận luôn đảm bảo chất lượng và được ưa chuộng trên thị trường.
Tuy vậy, một năm chống chọi trong "cơn bão" Covid-19 đã khiến doanh thu từ thị trường đầu mối lớn trong nước và xuất khẩu sụt giảm. Bà con Bình Thuận đối mặt với khó khăn, thách thức khi cần phải có một hướng tiếp cận mới để phục hồi kinh tế.
Trước thách thức đó, dịp Tết Tân Sửu vừa qua, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), cùng sự phối hợp của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận đã triển khai một chiến dịch đặc biệt kéo dài ba tuần nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các hợp tác xã trồng thanh long sạch và bền vững tại Bình Thuận tới người tiêu dùng trực tiếp.
Chiến dịch "Thí điểm ứng dụng công cụ phát trực tiếp (Live streaming) vào kinh doanh sản phẩm thanh long sạch và bền vững tại Bình Thuận" đã khởi động ngay trước thềm năm mới. Qua đó, bà con nông dân của ba hợp tác xã thanh long tại Bình Thuận đã được hướng dẫn và thử nghiệm ứng dụng livestream trên nền tảng Facebook để giới thiệu và quảng cáo sản phẩm thanh long Bình Thuận đến với người tiêu dùng trên Internet.
Đồng hành cùng chương trình, các chuyên gia của IMGroup - thành viên trong Liên minh chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DTS) đã tham gia trực tiếp hỗ trợ và hướng dẫn bà con nông dân tại các hợp tác xã triển khai các hoạt động này.
Ông Leon Trương - Chủ tịch DTS chia sẻ: "Sử dụng livestream giới thiệu và quảng cáo các sản phẩm hàng tiêu dùng không còn quá xa lạ, nhưng với sản phẩm nông nghiệp và bà công nông dân thì rất mới. Không chỉ với thanh long mà còn nhiều các nông sản khác, DTS đang phối hợp cùng Vecom giúp bà con nông dân từng bước thử nghiệm các hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp".
Qua những buổi livestream chân thực từ vườn thanh long đến dây chuyền sản xuất, bà con Bình Thuận đã có dịp được chia sẻ những hình ảnh về trái thanh long tươi và các sản phẩm được chế biến từ thanh long, đồng thời khẳng định chất lượng đạt chuẩn, minh bạch về lộ trình trồng trọt, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Ngay trong livestream đầu tiên, ba hợp tác xã thanh long Hòa Lệ, Thuận Hòa và Hàm Minh đã nhận sự quan tâm lớn của người tiêu dùng, với lượng người xem cao điểm lên tới hơn 2.000, với hơn 300 lượt tương tác, đặt hàng. Đây là tín hiệu đáng mừng, mở cơ hội mới cho bà con nông dân trong việc tìm đầu ra cho nông sản Việt, đồng thời, tạo cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận được với nguồn nông sản sạch và chất lượng.
Giai đoạn sau của chiến dịch, UNDP tiếp tục phối hợp cùng VECOM và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận đồng hành hỗ trợ bà con xây dựng các kênh bán trực tuyến cơ bản như website, gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, cũng như kết nối các đơn vị vận chuyển giúp bà con xây dựng quy trình vận chuyển an toàn, nhanh chóng, từng bước chủ động mở rộng kênh bán lẻ các sản phẩm thanh long sạch đến mọi miền đất nước.
Nằm trong dự án ba năm giữa UNDP và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm thúc đẩy vai trò cũng như đóng góp của khối tư nhân trong việc thực hiện các biện pháp ưu tiên thuộc lĩnh vực nông nghiệp trong đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam, chiến dịch hy vọng sẽ mang tới làn gió mới, tạo động lực sản xuất cho người nông dân và thêm cơ hội tiếp cận với sản phẩm nông nghiệp sạch cho người tiêu dùng.
Bảo Khánh