Bình rượu Speyer là một chiếc bình được niêm phong kín bằng một lớp sáp nóng vẩy dầu ô-liu. Các nhà nghiên cứu cho rằng bên trong bình chứa rượu trắng có thể uống được. Đây là bình rượu lâu đời nhất thế giới, có niên đại khoảng 1.650 năm, theo Vintage News.
Trong nhiều năm, các chuyên gia tranh cãi về cách xử lý bình rượu Speyer và liệu có cần tìm cách mở bình để phân tích mẫu rượu hay không. Tuy nhiên, bình rượu chưa từng được mở và vẫn nằm trong bộ sưu tập ở Bảo tàng Lịch sử Pfalz tại thị trấn Speyer, Đức.
Các nhà vi sinh vật học khuyến cáo không nên mở bình rượu và Ludger Tekampe, quản lý phòng rượu của bảo tàng cũng đồng tình với ý kiến đó. Theo Tekampe, nếu mở bình rượu, không ai biết chắc nó có thể chịu được sốc khí hay không.
Bình rượu Speyer là một đồ chế tác hiếm gặp từ thế giới cổ đại, giúp giới nghiên cứu tìm hiểu những truyền thống sản xuất và tiêu thụ rượu cổ xưa nhất. Bình rượu được tìm thấy trong mộ của một quý tộc La Mã năm 1867 ở vùng Rhineland-Palatine, Đức và đặt tên theo thị trấn Speyer ở cách ngôi mộ không xa.
Người đàn ông quý tộc và vợ được chôn cùng bình rượu vào khoảng năm 350. Các nhà khảo cổ vô cùng bất ngờ khi phát hiện trong bình vẫn chứa chất lỏng. Tính đến nay, bình rượu được xem là loại rượu lỏng cổ xưa nhất khai quật từ một di tích khảo cổ trên thế giới.
Ngôi mộ nơi tìm thấy bình rượu Speyer cũng chứa hai quan tài chứa xác đôi vợ chồng. Một giả thuyết cho rằng bình rượu là một trong những đồ chuẩn bị để người đàn ông mang theo trong hành trình sang thế giới bên kia.
Phương Hoa