Báo cáo tài chính quý III của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) ghi nhận doanh thu thuần xấp xỉ 16.200 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ và lập kỷ lục tính theo quý.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, thị trường nội địa đóng góp 85%, quay lại đà tăng trưởng nhờ nhu cầu sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng tăng cao trong đợt dịch. Ngoài ra, việc có hệ thống trang trại và nhà máy ở nhiều địa phương giúp công ty linh động kế hoạch sản xuất, đảm bảo cung ứng trong lúc vận chuyển hàng hoá liên tỉnh gặp khó khăn.
Mảng xuất khẩu đóng góp gần 10% doanh thu nhờ các thị trường chủ lực là Trung Đông, ngoài ra còn thêm châu Á và châu Phi. Các chi nhánh tại Mỹ, Campuchia cũng góp hơn 5% doanh thu khi các trường học dần mở cửa trở lại và dịch bệnh được kiểm soát.
Biên lợi nhuận gộp quý III đạt xấp xỉ 6.950 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng bởi gián đoạn chuỗi cung ứng và các chính sách thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng. Việc thực hiện "ba tại chỗ" cũng khiến chi phí sản xuất tăng. Sau khi trừ chi phí, công ty báo lãi sau thuế 2.961 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với cùng kỳ nhưng đã duy trì mạch tăng ba quý liên tiếp.
Luỹ kế chín tháng đầu năm, Vinamilk có doanh thu 45.178 tỷ đồng và lợi nhuận 8.420 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 73% và 75% kế hoạch cả năm. Bình quân mỗi ngày trong giai đoạn này công ty thu 167 tỷ đồng và lãi 31 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Vinamilk tính đến cuối tháng 9 đạt hơn 52.000 tỷ đồng, tăng hơn 3.600 tỷ đồng so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là tiền gửi có kỳ hạn với tổng giá trị 19.750 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng mạnh, đến cuối kỳ xấp xỉ 6.400 tỷ đồng. Nợ phải trả của Vinamilk tăng hơn 3.400 tỷ đồng, xấp xỉ 18.200 tỷ đồng.
Phương Đông