Theo trang The Value, tác phẩm gốm sứ in dòng chữ "Chế tác thời Gia Khánh Đại Thanh" sẽ được hãng Poly Auction Hong Kong đấu giá ngày 8/10. Bình cao 74 cm, từng thuộc sở hữu của công tước Pháp Edmond de Talleyrand-Périgord (1787-1872). Sau khi công tước qua đời, chiếc bình được con cháu của ông thừa kế. Các chuyên gia ước tính tác phẩm có thể đạt mức giá ba triệu USD.
Đầu thời vua Gia Khánh (1760-1820), triều đình nhà Thanh còn trong giai đoạn hưng thịnh, vì vậy không tiếc tiền cho sản xuất gốm sứ phục vụ hoàng tộc. Chiếc bình kế thừa mẫu mã gốm sứ thời Càn Long, áp dụng kỹ thuật nung, vẽ đỉnh cao bấy giờ, thể hiện phong thái đế vương. Gia Khánh là hoàng tử thứ 15 của Càn Long, lên ngôi hoàng đế năm 1796, trị vì trong 25 năm.
Bấy giờ, sản phẩm gốm sứ luôn đề cao ngụ ý trong mỗi họa tiết, cần thể hiện ý nghĩa may mắn, thịnh vượng. Phần cổ bình màu vàng chủ đạo, vẽ các hình cá, áng mây, sen, ngụ ý trường thọ, "hồng phúc tề thiên".
Phần bụng bình vẽ câu chuyện khác, tái hiện cảnh dâng vật phẩm cống nạp lên triều đình. Người dâng lễ cưỡi ngựa, voi hoặc những con vật biểu tượng tốt lành, tay ôm các bảo vật như san hô đỏ, ngọc như ý, quả đào. Họa tiết trên bình gốm được đánh giá tỉ mỉ, sinh động, các đường nét sơn thủy biến hóa đậm nhạt tinh tế, màu sắc tươi sáng.
Cống nạp là chủ đề thường thấy trong tranh vẽ thời Thanh. Nhà vua mệnh lệnh các họa sĩ cung đình vẽ nhiều tác phẩm đề tài dâng vật phẩm cống nạp. Song song nhiệm vụ này, vùng gốm sứ Cảnh Đức Trấn cũng thử đưa khung cảnh này lên bình. Hiện, bảo tàng Cố cung Bắc Kinh, Trung Quốc lưu giữ một số bình gốm chủ đề cống nạp.
Chủ cũ chiếc bình - công tước Edmond de Talleyrand-Périgord - từng có một chiếc khác cũng xuất xứ thời Thanh, sau này được trưng bày tại hôn lễ của người thừa kế của công tước. Tuy nhiên, tác phẩm bị sơ ý làm vỡ trong đám cưới. Dù vậy, họ giữ lại các mảnh vỡ, năm 2022, những mảnh này được bán với giá 120.000 eur (3,1 tỷ đồng).
Như Anh (theo The Value)