Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút 45.000 chuyên gia, kỹ sư nước ngoài. Tỉnh có khoảng 2 triệu lao động, trong đó 1,3 triệu người đến từ các tỉnh, thành trong cả nước. Mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương cơ bản trở thành một thành phố thông minh và đạt các tiêu chí trở thành đô thị loại I, trực thuộc Trung ương.
Theo quy hoạch tỉnh đến năm 2050, Bình Dương ưu tiên quỹ đất lớn để xin chủ trương mở rộng thêm các khu, cụm công nghiệp ở phía Bắc. Dự báo, số lao động những năm tới sẽ tăng cao, đến 2030 sẽ có khoảng 2,6 triệu lao động, đến năm 2050 lên 3,2 triệu lao động.
Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động, ngoài kêu gọi các dự án nhà ở thương mại, tỉnh đang tăng nhanh quỹ đất nhà xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân. Mới đây, tỉnh này công bố danh u đãi theo đề nghị của Sở Xây dựng.
Trong đó, TP Dĩ An có dự án chung cư nhà ở xã hội Tân Đông Hiệp do Công ty TNHH Kinh doanh và Phát triển nhà Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư. Dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến 768 tỷ đồng, quy mô 882 căn hộ. Một dự án tại TP Thủ Dầu Một với 978 căn, dự kiến hoàn tất xây dựng cuối năm 2026 và hai dự án ở TX Bến Cát.
Sở Xây dựng cho biết tính đến nay, địa phương đã đưa vào sử dụng 25 dự án nhà ở xã hội độc lập trên diện tích 140 ha đất với gần 1,4 triệu m2 sàn xây dựng, cung cấp trên 34.000 căn hộ. Trong đó, 11 dự án nhà ở xã hội có nguồn vốn ngoài ngân sách. Giá bán nhà ở thấp nhất 5,6 triệu đồng/m2 và cao nhất là 14,89 triệu đồng/m2. Ngoài ra tỉnh còn 32 dự án nhà ở thương mại có bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, với diện tích đất khoảng 85 ha.
Theo dự thảo Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Bình Dương dự kiến đầu tư 172.879 căn nhà ở xã hội (gồm 167.706 căn chung cư và 5.173 nhà liên kế). Tổng diện tích đất khoảng 612 ha, diện tích sàn xây dựng khoảng 10 triệu m2, đáp ứng cho 678.307 người.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng người lao động là nguồn lực quý có vai trò như một nhà đầu tư cho sự phát triển của tỉnh. Để hỗ trợ, ổn định, phát triển lực lượng lao động, nhà ở giữ vai trò quan trọng, giúp an cư, lạc nghiệp.
Nhà ở xã hội kéo thị trường khởi sắc
Động thái thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội của địa phương thời gian qua kéo theo thị trường nhà ở thương mại khu vực giáp ranh TP HCM như Thuận An, Dĩ An dần được hâm nóng.
Theo khảo sát, các căn hộ ở khu vực dọc đường Phạm Văn Đồng, Quốc lộ 1K hay Quốc lộ 13 được nhiều người quan tâm. Giá bán dao động từ 39 đến 42 triệu đồng một m2. Một số chủ đầu tư áp dụng chính sách trả chậm, ngân hàng bảo lãnh lãi suất nhằm thu hút người mua. Đầu tháng 10, một dự án mới được bàn giao nằm cạnh Quốc lộ 1K chỉ cần trả trước 150 triệu đồng là có thể nhận nhà.
Tại TP Dĩ An hiện có hàng loạt dự án triển khai và hoàn thành. Với lợi thế tiếp giáp TP Thủ Đức, giao thông kết nối qua đường Phạm Văn Đồng, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 1... thành phố này nhận nhiều sự quan tâm của người lao động mua ở thực từ TP HCM, Bình Dương và cả Đồng Nai.
Bên cạnh nhu cầu ở thực, hạ tầng kết nối ngày càng hoàn thiện cũng giúp thị trường tại Bình Dương sôi động. Loạt dự án hạ tầng giao thông hàng chục nghìn tỷ đồng kết nối vùng hiện nay như mở rộng quốc lộ 13, Vành đai 3, cầu Bình Gởi nối TP HCM, đường Thống Nhất nối Quốc lộ 1K với Quốc lộ 1, đường sắt Dĩ An - TP Biên Hòa, Metro Suối Tiên - Thủ Dầu Một...
Từ đầu năm đến nay địa phương có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn như thành lập Tổ chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án bất động sản; ban hành quyết định chỉ đạo hỗ trợ nhà đầu tư...
Phước Tuấn