Sáng 12/4, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng công bố báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2022 (PAPI 2022).
PAPI 2022 đo lường 8 chỉ số, trong đó chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công có 4 thành phần: Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương; kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công; công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công; và quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương.
Năm 2022, Bình Dương dẫn đầu về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, nhưng so với 2021 vẫn giảm 0,21 điểm. Trong 10 tỉnh dẫn đầu còn có Phú Thọ, Hà Nam, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Ninh Thuận, Tiền Giang, Hậu Giang. Ba tỉnh Điện Biên, Lào Cai và Bình Phước trong nhóm chỉ số thấp nhất, lần lượt 5,71; 5,78 và 5,97 điểm.
Trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, Hải Phòng có chỉ số kiểm soát tham nhũng cao nhất - 6,88. Đứng thứ hai là Hà Nội 6,8, thứ ba là Đà Nẵng 6,59, thứ tư là Cần Thơ 6,53 và xếp cuối cùng là TP HCM với 6,32.
Ở điểm thành phần kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương, duy nhất tỉnh Quảng Ninh được 2, Bình Dương đứng thứ hai với 1,96 điểm. Ba tỉnh Lào Cai, Điện Biên và Đăk Nông đứng cuối bảng.
30/63 tỉnh, thành phố có chỉ số kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công ở mức cao (trên 2 điểm), dẫn đầu vẫn là Quảng Ninh và Bình Dương. Tỉnh Bình Dương cũng dẫn đầu cả nước về quyết tâm chống tham nhũng khi đạt gần 2,1; Quảng Ninh bất ngờ đứng cuối cùng với 1,3 điểm.
Báo cáo PAPI 2022 cho thấy hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công của các cấp chính quyền địa phương có phần giảm sút trong năm 2022, sau khi tăng liên tục từ năm 2015 đến 2021. Chưa tới 75% số người trả lời ở tất cả tỉnh, thành phố cho rằng chính quyền địa phương đã nghiêm túc trong phòng, chống tham nhũng. Ở 42 tỉnh, thành phố tỷ lệ này chỉ ở mức dưới 50%.
Tương tự kết quả của những năm trước, hiện trạng "chung chi" để có việc làm trong khu vực nhà nước vẫn phổ biến. Tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi "lót tay" giảm ở 34 tỉnh, thành phố, tuy nhiên vấn đề này vẫn phổ biến ở các tỉnh còn nghèo như Đăk Lăk, Quảng Trị và Sơn La.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng chương trình nghiên cứu PAPI đã có tác động tích cực, làm chuyển biến nhận thức và hành động của chính quyền cấp tỉnh, thiết thực góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính Nhà nước - một trong 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
"Việc nghiên cứu, phân tích sự đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của người dân đem lại những chỉ báo quan trọng, giúp cho nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách và đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn", ông Dũng nói.
Đây là năm thứ 14 bộ chỉ số PAPI được tổng hợp. PAPI 2022 dựa trên kết quả khảo sát hơn 16.000 người dân ở 416 xã, thuộc 208 huyện của 63 tỉnh, thành phố từ tháng 8/2022. Có 120 tiêu chí đo lường với hơn 500 câu hỏi được gửi đến người dân qua hai hình thức phỏng vấn trực tiếp một đối một và phỏng vấn bằng máy tính bảng.