Trong phiên họp lần thứ 24 thông qua tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 diễn ra vào ngày 16/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh xác định 34 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 với 11 giải pháp trọng tâm.
Tỉnh hướng tới cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế. Bình Dương xác định công nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế chủ lực và giữ vai trò thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế; phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng 8,9% so với cùng kỳ.
Dịch vụ phát triển các ngành có lợi thế, hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số. Tỉnh xây dựng và ban hành danh mục các ngành nghề, dự án kêu gọi thu hút đầu tư đồng thời nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo thị trường. Các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ đẩy mạnh, mở rộng thị trường xuất khẩu Ấn Độ, Nam Mỹ...
Dự báo năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những khó khăn thách thức, vì vậy Bình Dương ưu tine các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Trong đó có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Tỉnh cũng tổ chức đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.
Hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư nâng cấp, phát triển; ưu tiên nguồn lực thích hợp cho các lĩnh vực như giao thông, chỉnh trang đô thị, cấp thoát nước công cộng, giáo dục, y tế. Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 157.482 tỷ đồng, bằng 31% GRDP của tỉnh năm 2023. Hoàn thành và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhiều hoạt động được triển khai đồng bộ trên lĩnh vực an sinh xã hội. Trong đó chú trọng công tác giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm. Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng; khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. Tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ đưa vào sử dụng Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường, đầu tư xây dựng bệnh viện tuyến cuối 2.000 giường. Phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế đạt trên 92%.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Võ Văn Minh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Tỉnh Bình Dương
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Võ Văn Minh yêu cầu trong thời gian còn lại của năm nay, các đơn vị tập trung hoàn thành những nội dung quan trọng: thống nhất giá đền bù, thống kê dữ liệu hộ tịch, lấy Tân Uyên làm đơn vị triển khai thí điểm; chuẩn bị công tác giao quân; chuẩn bị nguồn vốn đấu giá đất cho năm 2023.
Trước tình hình 250.000 lao động mất việc ngắn hạn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân yêu cầu các ngành chức năng nhanh chóng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và ổn định đời sống cho người lao động. Tỉnh đồng thời tập trung tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư; đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải tỏa các dự án, chú trọng công tác cải cách hành chính...
(Nguồn: Tỉnh Bình Dương)