Ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, cho biết từ nay đến năm 2030, Bình Dương sẽ có thêm 10 khu công nghiệp mới. Trong số này, hai khu tại huyện Bắc Tân Uyên và TP Tân Uyên sẽ được đầu tư trong hai năm tới, với tổng diện tích 1.000 ha. 8 khu còn lại bố trí tại các huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo được đầu tư đến cuối năm 2030, với tổng diện tích trên 6.000 ha.
Để tăng sức cạnh tranh, Bình Dương đang tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp được quy hoạch. Theo quy hoạch, Bình Dương dành khoảng 20.000 ha đất để phát triển công nghiệp. Hiện nay, khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (giai đoạn 2) rộng hơn 800 ha và Cây Trường rộng 700 ha đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sẵn sàng mặt bằng sạch để đón thêm dòng vốn đầu tư mới.
Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tổng công ty Becamex IDC, cho biết mô hình phát triển khu công nghiệp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với động lực phát triển chủ yếu dựa vào tiềm năng về đất dần không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Do đó, việc xây dựng và phát triển mô hình khu công nghiệp thông minh, công nghệ cao, sinh thái... đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế xanh trên toàn cầu là rất cần thiết. Đây được xem là một trong những hệ sinh thái kiểu mới quan trọng và tất yếu của thời đại nhằm bổ sung cho mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện hữu.
Để bảo đảm tính bền vững và khả thi trong thực hiện quy hoạch, Bình Dương đang tập trung đầu tư các khu công nghiệp thế hệ mới gồm chuyên ngành: cơ khí, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin... hướng đến sản xuất thông minh. Tỉnh thực hiện di dời doanh nghiệp sản xuất vào các khu vực quy hoạch để mở rộng không gian phát triển, thiết lập hệ sinh thái các khu, cụm ngành liên kết, tránh các vùng đô thị tập trung và giảm thiểu rủi ro ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, hạ tầng các khu công nghiệp và giao thông ở các địa phương phía Bắc của tỉnh đang được hoàn thiện sẵn sàng đón các nhà đầu tư. UBND tỉnh, các sở, ban, ngành đang khẩn trương nghiên cứu thiết lập các chính sách, phương án theo lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi di dời hoặc chuyển đổi công năng, cũng như tái định cư ở các địa bàn mới. Tỉnh cũng đang đẩy mạnh thực hiện các hạ tầng kết nối vùng, tạo động lực lan tỏa.
Trong thời gian qua, Bình Dương phối hợp với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng. Về hạ tầng, bên cạnh hai trục kinh tế động lực là Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn và các tuyến giao thông kết nối liên vùng như đường vành đai 3 TP HCM, Vành đai 4 TP HCM... Bình Dương đang xúc tiến đầu tư các công trình trọng điểm ở khu vực phía Bắc, như cao tốc Đức Hòa - Chơn Thành, cao tốc TP HCM - Chơn Thành, đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng...
Đại diện tỉnh cho biết, quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được chính phủ phê duyệt. Trong đó, một phần rất quan trọng là quy hoạch các khu công nghiệp mới đến năm 2030. Đây là tiền đề để tỉnh và nhà đầu tư thực hiện những bước tiếp theo trong việc phát triển các khu mới theo tiêu chuẩn khu công nghiệp sinh thái, thu hút ngành nghề công nghệ cao.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh để thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh, Bình Dương tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các khu công nghiệp hiện hữu nhưng hướng tới các chuẩn mực cao hơn về khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp gắn với đô thị - dịch vụ để thu hút nguồn vốn đầu tư ngày càng chất lượng và hiệu quả. Hình thức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp tại tỉnh đa dạng và phù hợp với điều kiện thực tế. Việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số trong các khu công nghiệp là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của tỉnh.
Hải My