Thông tin được nêu tại buổi giới thiệu về hành trình phủ xanh của đất nước Singapore và định hướng mục tiêu phát triển cây xanh và bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương, hôm 14/8.
Ông Chuah Hock Seong - Giám đốc Tổ hợp công viên tại Singapore, cho biết dự án phủ xanh Singapore do Thủ tướng Lý Quang Diệu phát động từ năm 1963 với tầm nhìn tạo ra một "thành phố trong vườn". Quốc gia này đã "xanh hóa" các con đường và cơ sở hạ tầng, biến các công viên và khu vườn thành không gian phục vụ cộng đồng.
Các chiến lược được quốc đảo đưa ra là bảo tồn và mở rộng thiên nhiên vốn có; tăng diện tích thiên nhiên trong các khu vườn và công viên; phục hồi mảng xanh ở cảnh quan đô thị,... Bên cạnh đó, Singapore tổ chức nhiều chương trình giáo dục về không gian xanh để giúp cộng đồng có trải nghiệm gần gũi hơn với thiên nhiên và thúc đẩy sức khỏe tinh thần. Chính phủ nước này còn đặt mục tiêu năm 2030 dành thêm 50% diện tích đất cho các công viên thiên nhiên với mục tiêu trồng thêm một triệu cây xanh trên cả nước.
Cây xanh ở Singapore còn được quản lý qua các phần mềm số hóa. Toàn bộ dữ liệu về số cây xanh, quá trình sinh trưởng, hệ sinh thái được lưu trữ, quản lý qua các phần mềm, giúp nhà quản lý nắm được tình hình, điều chỉnh khi có biến động.
Học tập từ Singapore, Bình Dương cũng muốn xây dựng nên thành phố xanh, đáng sống. Trong đó, TP Thủ Dầu Một là trọng tâm của phát triển mảng xanh đô thị. Thành phố trung tâm của Bình Dương chủ trương dành các khu "đất vàng" để xây dựng công viên, vườn hoa phục vụ người dân. Bà Võ Thị Bạch Yến - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thủ Dầu Một cho biết, đến nay thành phố có hơn 120 công viên, hoa viên với diện tích cây xanh đô thị trên 400 hecta. Tỷ lệ đất cây xanh đô thị từ 8,02 m2/người năm 2016 lên 13,6 m2/người hiện nay.
Năm nay, Thủ Dầu Một triển khai mô hình "thành phố không rác". Địa phương ra mục tiêu 100% tuyến đường chính và ngõ hẻm, khu dân cư đều quy định về thời gian, địa điểm thải bỏ, thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, không có các điểm tập kết rác tự phát. 100% hộ dân trên địa bàn thành phố tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Từ mục tiêu trên, phường sẽ lập các tổ tự quản về môi trường.
Để quá trình xanh hóa hiệu quả, nhiều chuyên gia gợi ý về việc ứng dụng công nghệ, thực hiện phát triển xanh bằng việc chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái - cộng sinh công nghiệp, quy hoạch giao thông thông minh. Các giải pháp về phục hồi các hành lang kênh rạch, công viên dọc sông... cũng được đưa ra thảo luận.
Thủ phủ công nghiệp của vùng Đông Nam bộ cũng đặt mục tiêu cắt giảm khí thải trong quá trình phát triển kinh tế. Trước mắt, tỉnh ưu tiên thu hút các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Các khu công nghiệp và phát triển khu công nghiệp được quy hoạch, chuyển đổi để dành diện tích cho cây xanh, giao thông, hạ tầng dịch vụ dùng chung... Toàn tỉnh hiện có 28 khu công nghiệp với tổng diện tích đất 11.138 hecta. Theo các quy hoạch chi tiết, quy hoạch điều chỉnh và điều chỉnh cục bộ được phê duyệt, tổng diện tích đất cây xanh được thống kê sơ bộ là 1.003 hecta. Trong đó, diện tích cây xanh đã đầu tư khoảng 678 hecta.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết phát triển cây xanh, kinh tế xanh sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chiến lược này biến Bình Dương thành nơi đáng sống.
Hoài Phương