Ngày 9/10, UBND tỉnh Bình Dương làm việc với các chuyên gia quốc tế về công nghiệp bán dẫn nhằm đánh giá tiềm năng, cơ hội cũng như nhìn nhận các vấn đề đặt ra khi tỉnh đặt mục tiêu tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực thời gian tới.
Lãnh đạo tỉnh cho biết hiện Bình Dương thu hút 4.347 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký lên đến 42 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước. Đặc biệt, Đài Loan (Trung Quốc) đứng đầu trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Bình Dương với tổng số dự án đầu tư là 889 và tổng số vốn hơn 6,485 tỷ USD, với lĩnh vực đầu tư chủ yếu là giày da, may mặc, hóa sợi, dệt nhuộm, đồ gỗ trang trí nội thất, chế biến thực phẩm, bao bì nhựa...
Địa phương không chỉ là nơi thu hút vốn đầu tư mà còn liên tục dẫn đầu cả nước về phát triển cơ sở hạ tầng, tỉnh không ngừng phát triển hạ tầng, xây dựng đô thị thông minh và cải thiện môi trường kinh doanh. Mới đây, Diễn đàn Cộng đồng thông minh Thế giới (ICF) đã vinh danh Bình Dương là "Cộng đồng thông minh của năm – Top 1 ICF 2023".
Tại buổi làm việc, các chuyên gia trong ngành công nghiệp bán dẫn của Công ty Digitimes Inc đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghệ thông tin và công nghiệp bán dẫn và bài học cho Việt Nam; kinh nghiệm phát triển các dự án đầu tư sản xuất bán dẫn và vai trò của chính quyền trong xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù cho ngành công nghiệp bán dẫn; phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn...
Theo ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương, tỉnh sẽ phát triển khu công nghệ thông tin tập trung, đổi mới sáng tạo gồm 4 phân khu với quy mô khoảng 220 ha tại thành phố mới Bình Dương có chức năng nghiên cứu, phát triển, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm...
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ, Bình Dương hiện đang tập trung thu hút các công ty công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn.Tỉnh cũng đã công bố quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050; trong đó, có định hướng phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp bán dẫn.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cam kết sẽ kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao. Tỉnh sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối sân bay, cảng biển; giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, thủ tục hải quan; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... nhằm đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Tỉnh định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới như ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao, chip bán dẫn, năng lượng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao; dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; các ngành công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp khoa học công nghệ.
Theo lãnh đạo tỉnh những ý kiến chia sẻ của các chuyên gia tại buổi làm việc là kinh nghiệm quý báu để tỉnh từng bước xây dựng nền tảng trở thành một trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn của khu vực.
Song song đó, thực hiện định hướng của Chính phủ đào tạo và đào tạo lại 50.000 kỹ sư cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, địa phương đã đề nghị các trường đại học xây dựng đề án đào tạo nhân lực, đồng thời tỉnh cũng xây dựng các chính sách của địa phương thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển giai đoạn mới.
Phước Tuấn