Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2021 công bố sáng 10/5 cho thấy chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đã cải thiện ở nhiều địa phương và nhóm top đầu phân bố đều ở cả phía Bắc và phía Nam.
Chỉ số này được chấm dựa trên 4 thành phần: Kiểm soát tham nhũng ở chính quyền địa phương; kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công; tuyển dụng nhân lực và quyết tâm chống tham nhũng của địa phương.
Năm 2021, Bình Dương dẫn đầu cả nước về chỉ số kiểm soát tham nhũng với 8,15 điểm, cao hơn 2,73 điểm so với địa phương xếp chót Điện Biên (5,42). Giai đoạn 2020-2021, tỉnh, thành phố có mức gia tăng về điểm đáng kể là Bình Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn và Lâm Đồng đều trên 15%.
Chỉ số kiểm soát tham nhũng của 5 thành phố trực thuộc trung ương lần lượt là Hà Nội (7,08); Hải Phòng (7,42); Đà Nẵng (6,78); TP HCM (6,33) và Cần Thơ (6,77). Trong số này, TP HCM thấp điểm nhất về chỉ số công bằng trong tuyển dụng (1,09) trên thang 2,5; cao nhất là Hải Phòng (1,4).
Số người đánh giá "công bằng" trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công vẫn rất thấp. "Tình trạng chung chi để có việc làm trong khu vực nhà nước vẫn khá phổ biến. Người dân vẫn cho rằng mối quan hệ quyết định lớn đến kết quả xin vào làm công chức, viên chức cấp xã", báo cáo nêu. Kết quả khảo sát cho thấy việc này phổ biến nhất ở Sơn La và Điện Biên. Ba địa phương có mức công bằng trong tuyển dụng cao nhất là Hưng Yên, Thanh Hóa, Bình Dương.
Tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chi "lót tay" dao động 40-90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố. Hiện trạng này lại phổ biến ở các tỉnh nghèo như Cao Bằng, Đăk Lăk và Sóc Trăng.
Về xếp hạng mối lo ngại nhất của người dân năm 2021, lo ngại liên quan y tế, bảo hiểm y tế tăng lên 15,58% vào năm 2020 và 23,84% năm 2021. Từ 2020 (thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh), tỷ lệ lo ngại cũng tăng ở lĩnh vực việc làm (từ 8,57 lên 10,83%); đói nghèo (từ 17,92 lên 19,1%).
Những bất ổn về đời sống, xã hội do dịch cũng thể hiện rõ hơn, người dân ít lạc quan về tình hình kinh tế. Khoảng 30% cho biết tài chính gia đình sụt giảm, tỷ lệ này tăng 11% so với 2020. Số người mất việc làm, bị ảnh hưởng thu nhập đã tăng 10% so với năm 2020, tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM - nơi giãn cách xã hội trong thời gian dài.
PAPI khảo sát vào giữa tháng 10/2021, kết thúc tháng 2/2022. Đây là lúc làn sóng đại dịch thứ tư diễn ra ở Việt Nam với sự áp đảo của chủng Delta khiến gần 40.000 người tử vong.
Theo ông Paul Schuler, đại diện nhóm nghiên cứu PAPI, phần lớn người được khảo sát hài lòng với cách ứng phó của chính quyền trong đại dịch, tỷ lệ này là 89% năm 2020 và 84% năm 2021.
Tuy nhiên, đại dịch khiến ngành y tế nhận được "ít thiện cảm hơn". Mức độ hài lòng khi sử dụng các dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện, quận, thành phố trực thuộc tỉnh giảm sút. "Đây là hệ quả của việc nhiều cơ sở y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 bị quá tải trong thời điểm dịch phức tạp", ông Schule phân tích.
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở. Năm 2021, gần 16.000 người dân tham gia khảo sát PAPI qua phỏng vấn trực tiếp hoặc bằng cuộc gọi video.