"Tỉnh sẽ mở cửa từng bước ở các địa phương vùng xanh, tiếp tục siết chặt, dập dịch ở vùng đỏ", ông Võ Văn Minh trả lời VnExpress về kế hoạch nới lỏng giãn cách, trở lại trạng thái "bình thường mới" của Bình Dương sau ngày 15/9.
Trong đợt dịch thứ tư, Bình Dương đã ghi nhận hơn 160.000 ca Covid-19, trong đó 1.420 ca tử vong (chiếm 0,8%) và 104.000 ca được chữa khỏi. Theo ông Minh, tình hình dịch bệnh ở tỉnh 10 ngày qua cơ bản được kiểm soát khi số ca chữa khỏi, xuất viện mỗi ngày đều cao hơn số ca mắc mới, cho thấy đỉnh dịch đã qua.
Thống kê từ ngày 3 đến 14/9, có 45.004 bệnh nhân xuất viện và 37.937 ca mắc mới. Trong khi 10 ngày trước đó, tỉnh ghi nhận 35.396 ca xuất viện và 50.043 ca nhiễm mới. Việc nhiều ca được chữa khỏi giúp các khu điều trị giảm áp lực. "Các bệnh viện dã chiến hiện đã cơ bản ổn định, đáp ứng tốt công tác điều trị, không để xảy ra tình trạng lộn xộn, quá tải", ông Minh nói.
Hiện Bình Dương vẫn áp mô hình tháp ba tầng điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế gồm: tầng một dành cho bệnh nhân không có triệu chứng (80%); tầng hai dành cho bệnh nhân triệu chứng nhẹ và trung bình (15%); tầng 3 điều trị bệnh nhân triệu chứng nặng và nguy kịch (5%). Trong đó năng lực điều trị ở tầng hai hiện có khoảng 4.200 giường và tầng 3 gần 1.000 giường, nhưng cả hai tầng chỉ mới hoạt động trên 50% công suất, vì số lượng F0 ở tầng một xuất viện cao. Đã có 12 khu cách ly tầng một dừng hoạt động.
"Phân tầng hợp lý, phát hiện kịp thời và điều trị ngay từ tầng một là phương án điều trị khiến tỷ lệ bệnh nhân tăng nặng giảm nhiều so với trước. Các khu điều trị, cách ly tầng một cũng sẽ giảm dần, ngành y tế sẽ dần trả lại cơ sở vật chất cho các trường học. Tuy nhiên, Bình Dương vẫn duy trì các cơ sở điều trị ở tầng hai và tầng ba cho đến khi hết dịch", Chủ tịch tỉnh Bình Dương nói.
Đến nay Bình Dương đã có 6 huyện, thành phố "vùng xanh" gồm: Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, thị xã Bến Cát và thành phố Thủ Dầu Một. Dự kiến sau ngày mai, một số phường "vùng xanh" ở thành phố Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên sẽ trở về trạng thái bình thường mới.
Ở các địa phương "vùng xanh", hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán nhu yếu phẩm đã dần hoạt động trở lại trong điều kiện phải đảm bảo an toàn. Theo đó, người dân đi làm và ra đường buộc phải tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 sau 14 ngày. Từ sau ngày 15/9, người có "thẻ xanh vaccine" sẽ được di chuyển trong huyện và ngày 20/9 có thể đi lại trong tỉnh.
Với trạng thái "bình thường mới", ông Minh cho biết các doanh nghiệp sẽ dần hoạt động trở lại với quy định "ba xanh": nhà máy xanh, nhà trọ xanh và công nhân xanh. Tỉnh dự kiến xây dựng các chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; bảo đảm việc tổ chức sản xuất, phân phối, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu.
Để giúp người dân sớm có "thẻ xanh vaccine" ra đường, Bình Dương đã tiêm mũi một cho hơn 95% người từ 18 tuổi trở lên. Với năng lực tiêm có thể đạt 150.000 liều mỗi ngày nên vaccine được phân bổ về đã được tiêm hết. Hiện toàn tỉnh còn thiếu khoảng hai triệu liều để đạt mục tiêu người dân toàn tỉnh từ 18 tuổi trở lên hoàn thành hai mũi, sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Sau ngày 15/9, tỉnh quyết tâm bảo vệ "vùng xanh", đồng thời đẩy nhanh sàng lọc sớm tách F0 khỏi cộng đồng ở "vùng đỏ", "điểm đỏ", đặc biệt là các phường "đậm đặc, đông cứng" của thành phố Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên. "Chúng tôi vẫn áp dụng biện pháp giãn cách nhà trọ, xét nghiệm diện rộng nhiều vòng theo nguyên tắc ngày đầu và thứ 3 (test nhanh), ngày thứ 5 và 7 (xét nghiệm mẫu gộp PCR) để sớm phát hiện F0, đưa đi điều trị sớm", ông Minh cho biết.
Về chính sách an sinh xã hội, thời gian qua, ngoài kinh phí hỗ trợ theo Nghi quyết 68 của Chính phủ, Bình Dương đã chi gần 2.000 tỷ để giúp người dân vùng giãn cách. Tuy nhiên, do thời gian giãn cách kéo dài, người dân "vùng đỏ", đặc biệt các khu đông công nhân gặp rất nhiều khó khăn để đảm bảo cuộc sống. Sắp tới, địa phương tiếp tục hỗ trợ cho người nghèo, lao động mất việc...
"Với tổng đài và đường dây nóng đến từng cấp phường, xã, người dân khó khăn khi gọi đến sẽ được hỗ trợ ngay lương thực, thực phẩm cũng như khám chữa bệnh kịp thời từ các trạm y tế lưu động", ông Minh nói.
Phước Tuấn