Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, gói hỗ trợ này đã được Chính phủ đồng ý và giao Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phối hợp với tỉnh triển khai trên cơ sở danh sách doanh nghiệp được tỉnh xét duyệt và đề xuất.
Theo đó, các doanh nghiệp bị thiệt hại sẽ được ưu tiên vay vốn trong thời gian 3 năm với lãi suất 7%/năm. Trong đó, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 50% lãi suất và doanh nghiệp chỉ trả 50% lãi suất còn lại (tức chỉ 3,5%/năm). Ngay hôm nay, đã có 37 doanh nghiệp bị thiệt hại được hưởng chính sách từ gói hỗ trợ này.
![goi-1-000-ty-final_1409824038.jpg](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2014/09/04/goi-1-000-ty-final-3208-1409825706.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=k7n2sCc46BKRxhYX9XBQcw)
Các doanh nghiệp nhận tượng trưng gói vốn 1.000 tỷ đồng
UBND tỉnh Bình Dương cho biết, mục đích của gói hỗ trợ là vay vốn trung hạn để thực hiện dự án đầu tư tài sản cố định bao gồm nhà xưởng, máy móc thiết bị và phương tiện phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tổng mức cho vay của gói hỗ trợ được xác định dựa trên cơ sở mức độ thiệt hại và nhu cầu vay vốn cần thiết, hợp lý của doanh nghiệp, tối đa không quá 50 tỷ đồng mỗi doanh nghiệp. Tỷ lệ cho vay tối đa bằng 50% vốn đầu tư của một dự án và doanh nghiệp phải tham gia tối thiểu 50% vốn tự có đối với dự án vay vốn.
Ông Lê Trung Thành, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: “Sau khi hoàn thành các hồ sơ thủ tục, dự kiến gói vốn vay 1.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được giao cho BIDV giải ngân chậm nhất vào ngày 31/12/2014. Trường hợp việc giải ngân sau thời hạn nêu trên sẽ do UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt”.
Nguyệt Triều