Thông tin được tỉnh công bố trong Hội nghị sơ kết ba năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, hôm 6/10. Số tiền 6.400 tỷ đồng dùng đầu tư cho các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó 49% từ ngân sách, 51% là vốn huy động, vốn tín dụng, doanh nghiệp và người dân đóng góp.
Toàn bộ 41 xã trên địa bàn đều đạt chuẩn nông thôn mới. 29 trong số này đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các huyện Dầu Tiếng, Bến Cát và TP Tân Uyên đạt chuẩn nông thôn mới. Các huyện còn lại gồm Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên đang trong quá trình thẩm định, dự kiến được công nhận thời gian tới.
Địa phương Đông Nam Bộ chú trọng thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, qua hơn ba năm triển khai, OCOP có những tác động tích cực cho kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường.
Tỉnh có 103 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ ba sao trở lên, trong đó, có 93 sản phẩm đạt ba sao và 10 sản phẩm đạt 4 sao. "Việc xây dựng và thực hiện OCOP giúp các địa phương khơi dậy sự tự lực, sáng tạo của cộng đồng để phát triển các sản phẩm đặc trưng, nâng cao thu nhập, đời sống người dân và thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới", ông Bông nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo tỉnh, nông thôn mới là quá trình thường xuyên, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Quá trình hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Tỉnh đánh giá kết quả đạt được trong ba năm qua là thành công bước đầu, tạo nền tảng, cho triển khai giai đoạn tiếp theo
Trong giai đoạn tiếp theo, Bình Dương đề ra mục tiêu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025. Tỉnh hoàn thành xây dựng thí điểm "làng thông minh" trên địa bàn xã Bạch Đằng (Thị xã Tân Uyên) và nhân rộng đối với các xã còn lại. Thu nhập người dân kỳ vọng tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020 (7 triệu đồng mỗi tháng).
Địa phương thời gian tới dự kiến tập trung xây dựng đời sống nông thôn trên các mặt như phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số. Dự kiến Bình Dương tiếp tục huy động nguồn lực lớn cho mục tiêu xây dựng nông thôn thông minh, kiểu mẫu, mô hình xã thương mại điện tử. Kinh tế dịch vụ nông thôn được định hướng tăng giá trị sản phẩm, chú trọng mẫu mã, bao bì. Các vùng sản xuất nông nghiệp được quy hoạch gắn với xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo hướng an toàn, hữu cơ, đảm bảo tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và xúc tiến thương mại.
Đoan Trang