Báo cáo Bộ Y tế ngày 21/6, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến ngày 21/6, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 89 ca Covid-19. Trong đó, có 4 chuỗi lây nhiễm liên quan đến các công ty, xí nghiệp sản xuất.
Cụ thể, ngày 12/6, trên địa bàn phát hiện ca đầu tiên là "bệnh nhân 10584", địa chỉ ở phường Tân Phức Khánh, Thị xã Tân Uyên, làm nghề bán trà sữa tại phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một. Trước đó, ngày 8/6, người này tổ chức tiệc thôi nôi tại nhà.
Sau đó, ngành y tế Bình Dương đã phát hiện 14 ca là những người tham gia tiệc thôi nôi, công nhân tại các công ty, cơ sở sản xuất. Ngành y tế đã mở rộng truy vết, phát hiện những chuỗi ca bệnh liên quan đến các công ty như Công ty House Wares, Công ty Hiền Hòa Anh (Tân Vĩnh Hiệp)...
Đại diện CDC Bình Dương cho biết, huyện Tân Uyên có nhiều ca mắc nhất. Đối với các ca lây lan trong công ty, khi người lao động về các khu nhà trọ đã lây lan dịch bệnh cho dân cư trong nhà trọ. Những cư dân này lao động tại các xí nghiệp khác do đó lại mang mầm bệnh lây lan vào các phân xưởng.
Hiện nay, ngành y tế đảm bảo năng lực xét nghiệm trên 3.000 mẫu đơn. Số lượng kit xét nghiệm RT- PCR còn khoảng 15.000. Tỉnh đang triển khai chiến lược xét nghiệm trên diện rộng để bao vây, đón đầu, khoanh vùng dập dịch. Tỉnh cũng đã chuẩn bị nhân lực lấy mẫu xét nghiệm, huy dộng nhân lực trên toàn tỉnh thì một ngày có thể lấy được 50.000-70.000 mẫu.
"Đối với tỉnh Bình Dương hiện nay cần xác định công tác xét nghiệm là đặc biệt quan trọng", ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế, nói.
Để đảm bảo kịp thời nhận diện, khoanh vùng và khống chế dịch bệnh, ông Nam yêu cầu tỉnh cần nâng năng lực xét nghiệm, cao nhất có thể nâng lên 30.000 mẫu ngày. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực thực hiện test nhanh, đảm bảo 100% người dân ở các khu vực nguy cơ cao được test nhanh để kịp thời nhận diện ca bệnh. Về nhân lực lấy mẫu, xét nghiệm, tỉnh Bình Dương cần huy động thêm ở các trường cao đẳng y dược trên địa bàn. Ngoài ra, có thể huy động nhân lực từ các trường đại học, cao đẳng y dược TP.HCM hỗ trợ.
Hiện tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh có tổng công suất tối đa 7.000 người. Trong vòng 3 ngày tới, tỉnh sẽ sẵn sàng thêm các khu cách ly, nâng cao công suất lên 10.000 người. Tuy nhiên, ông Nam nhận định, với địa bàn lớn, nơi tập trung nhiều công nhân, người lao động, tỉnh cần nâng cao năng lực cách ly tập trung sẵn sàng tiếp nhận và cách ly cho 30-50.000 người.
Các khu điều trị trên địa bàn có thể tiếp nhận và điều trị khoảng 600 bệnh nhân. Tỉnh đang có phương án mở rộng thêm khu điều trị công suất 500 giường. Bộ Y tế yêu cầu tỉnh lên phương án triển khai bệnh viện dã chiến để kịp thời tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 khi số ca bệnh tăng lên...
Ông Nam nhấn mạnh để chống dịch bệnh xâm nhập vào bệnh viện, tất cả các bệnh biện cần triển khai tầm soát trong nội viện. Hiện nay, có khoảng 80% trường hợp mắc bệnh không triệu chứng nên tất cả các trường hợp sốt ho phải được xét nghiệm nhanh sàng lọc trước khi vào viện.
Tại các khu vực đang áp dụng Chỉ thị 15, hay Chỉ thị 16 cần thực hiện nghiêm, tránh tình trạng bên ngoài cổng đóng chặt nhưng bên trong người dân giao du tiếp xúc tự do, dẫn đến các ổ siêu lây nhiễm. Tỉnh cần có quy định xử phạt nghiêm không đảm bảo 5K, đặc biệt là không đeo khẩu trang.