Dự án Tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT 746, ĐT 747B, ĐT 743 được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua tại kỳ họp 15 khóa IX, ngày 17/7.
Dự án có kinh phí 9.600 tỷ đồng do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC) làm chủ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (O&M).
Khi triển khai, các tuyến đường sẽ có cầu vượt, hầm chui, đường ngang, cầu bộ hành và trạm thu phí. Dự án cũng bao gồm các hạng mục duy tu bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh, hệ thống chiếu sáng.
![Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn qua địa phận TP Dĩ An. Ảnh: Thái Hà](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/07/17/my-phuoc-tan-van-3574-1594975000.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=L6p5udSStbZo_aILCCLXFw)
Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn qua địa phận TP Dĩ An. Ảnh: Thái Hà
Theo UBND tỉnh Bình Dương, việc thực hiện dự án này là cần thiết. Để có nguồn thu, HĐND tỉnh cũng chấp thuận lập trạm thu phí trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Tiền thu được dùng để xây cầu vượt, đường ngang giao giữa các tỉnh lộ với đường Mỹ Phước - Tân Vạn; chi duy tu bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh, vệ sinh đường, tạo ra hệ thống giao thông đồng bộ, chống kẹt xe.
Trạm thu phí dự kiến hoạt động trong 30 năm. Mức thu theo giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ quy định tại Thông tư 36/2016/TT-BGTVT.
Giá vé thấp nhất là 20.000 đồng, cao nhất là 30.000 trong thời gian từ năm 2020 đến 2025. Giá vé trong 5 năm tiếp theo là 30.000 đồng (thấp nhất) và 45.000 đồng (cao nhất). Trong 20 năm cuối, giá vé thấp nhất là 35.000 đồng và cao nhất là 50.000 đồng.
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 30 km với 8 làn xe nối quốc lộ 1 tại Ngã ba Tân Vạn đến phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát. Đây là tuyến đường huyết mạch, kết nối các khu công nghiệp tại huyện Bàu Bàng, thị xã Bến Cát, Tân Uyên và 3 thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An thuộc tỉnh Bình Dương với các cảng ở TP HCM và Đồng Nai.
Phước Tuấn