Chiều 19/5, tỉnh Bình Dương đã cập nhật tình hình khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn sau sự kiện hàng chục nghìn công nhân biểu tình quá khích phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. Ông Trần Văn Liễu, Trưởng ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết hiện trên dưới 80% doanh nghiệp trên toàn địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại. Ban quản lý cũng đã tự thống kê thiệt hại của các doanh nghiệp. Sau đó tỉnh sẽ thẩm định để có chính sách hỗ trợ phù hợp.
“Tỉnh Bình Dương đã thành lập ban chuyên trách để đánh giá thiệt hại của doanh nghiệp. Hiện tất cả doanh nghiệp đều thông cảm và chia sẻ trước sự cố xảy ra ngoài ý muốn. Do đó họ vẫn tính và trả lương đầy đủ cho công nhân trong những ngày nghỉ việc”, ông Liễu nói.
Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, đối với các doanh nghiệp khó khăn về giấy tờ, hồ sơ do bị đốt cháy, tỉnh đã hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nhanh chóng đi vào sản xuất, xuất nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Phùng Trung, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, tỉnh đang tổng hợp số lao động có khả năng mất việc, ngừng việc để giải quyết, tìm kiếm việc làm cho họ. "Hiện thống kê chưa đầy đủ, Bình Dương có trên 20.000 lao động phải ngừng việc do sự cố vừa qua”, ông nói.
Sở cũng phối hợp cùng cơ quan bảo hiểm để tập trung giải quyết chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp nhanh nhất cho người lao động. Do nhiều chủ doanh nghiệp vắng mặt, không có quyết định thôi việc, tỉnh đã linh động trong việc dựa theo danh sách Bảo hiểm xã hội hiện nay kèm đơn của công nhân sẽ được xem xét giải quyết. Riêng đối với công nhân tại các doanh nghiệp, nếu bị mất việc làm sẽ được ưu tiên giải quyết việc làm nhanh.
Cũng liên quan đến người lao động, ông Trần Văn Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết sẽ xin ý kiến Chính phủ cho phép được nâng thời gian bảo hiểm thất nghiệp từ 3 tháng theo quy định lên đến 5 tháng.
Nói về những biện pháp để khôi phục niềm tin, uy tín và “thương hiệu Bình Dương” trong mắt các nhà đầu tư, theo vị phó chủ tịch tỉnh sẽ rất khó khăn, song trước mắt cần tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Bình Dương cam kết với nhà đầu tư, doanh nghiệp không để xảy ra những sự cố tương tự như vừa qua.
“Trong tuần tới Bình Dương sẽ thống kê thiệt hại của doanh nghiệp để có những chính sách cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp. Giúp các doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất, từng bước khôi phục lại niềm tin, hình ảnh trong lòng doanh nghiệp và người dân", ông Nam nói.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Bùi Mạnh Lân, chủ đầu tư khu công nghiệp Đồng An cho biết, hiện toàn khu công nghiệp đã có khoảng 70% doanh nghiệp hoạt động trở lại với khoảng 30.000 lao động trở lại làm việc bình thường. Tuy nhiên, cũng theo ông Lân, nhiều doanh nghiệp cũng đang chờ đợi cơ quan chức năng sớm thẩm định các thiệt hại để doanh nghiệp có thể dọn dẹp hiện trường, trở lại sản xuất cho kịp tiến độ các đơn hàng đã được ký kết trước đó.
Còn theo ban quản lý khu công nghiệp VSIP, trong ngày 19/5 toàn khu đã có 269 trong tổng số 326 doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường với 60.000 công nhân lao động trở lại làm việc.
Nguyệt Triều