Nghị quyết thành lập thị trấn Cát Khánh công bố sáng 26/11. Địa phương được định hướng là trung tâm đô thị du lịch, dịch vụ kinh tế biển, trung tâm chuyên ngành cấp huyện về kinh tế, văn hóa, đầu mối giao thông, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội khu vực Đông Bắc huyện Phù Cát. Sau khi thành lập, huyện Phù Cát có 18 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 15 xã và 3 thị trấn (Ngô Mây, Cát Khánh, Cát Tiến).
Theo ông Lâm Hải Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thị trấn Cát Khánh thời gian tới sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, lấy kinh tế biển làm nền tảng, tập trung phát triển công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ và du lịch. Ông Giang cũng đề nghị địa phương chú trọng phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Cát Khánh nằm ở phía Đông Bắc huyện Phù Cát với diện tích 30,74 km2, dân số hơn 17.300 người. Địa phương này sở hữu đường bờ biển dài hơn 3 km. Đây là xã đồng bằng ven biển nằm trên tuyến ĐT 633 kết nối quốc lộ 1 với Cảng cá Đề Gi và tuyến đường ven biển ĐT 639.
Năm 2023, tổng giá trị sản xuất của địa phương gần 1.000 tỷ. Thương mại - dịch vụ chiếm 31,2%, công nghiệp - xây dựng chiếm 32% và nông - lâm - thủy sản chiếm 36,7% cơ cấu kinh tế.
Bên cạnh thành lập thị trấn Cát Khánh, Bình Định đã phê duyệt đề án quy hoạch đô thị An Hòa, huyện An Lão đến năm 2035. Quy mô diện tích nghiên cứu lập quy hoạch hơn 4.000 ha, dân số khoảng 10.313 người (năm 2023).
Quy hoạch định hướng An Hòa là đô thị loại V. Trong đó, không gian đô thị chia làm bốn phân khu. Phân khu đầu tiên ở phía Bắc là các khu dân cư đô thị, thương mại dịch vụ, công trình hành chính, văn hóa, thể thao. Phân khu phía Nam phát triển mở rộng khu dân cư, chỉnh trang khu vực dân cư hiện hữu kết hợp thương mại, dịch vụ.
Phân khu thứ ba ở phía Tây sông An Lão phát triển dân cư mật độ thấp gắn liền với cảnh quan tự nhiên, xây dựng mới đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Cuối cùng là phân khu sinh thái tự nhiên hơn 2.400 ha, định hướng tôn tạo, bảo tồn cảnh quan tự nhiên; phát triển nông nghiệp và rừng trồng sản xuất.
Hoài Phương