TS Trần Văn Vinh, Phó chi cục Thủy sản Bình Định chia sẻ với VnExpress về các hoạt động cũng như sáng kiến bảo tồn hệ sinh thái biển của địa phương thời gian qua.
- Bình Định có những khu vực để rùa sinh sản, người dân có thể hỗ trợ rùa khi đẻ trứng và thả rùa về biển. Hoạt động này có từ khi nào, thưa ông?
- Rùa biển có một đặc điểm rất thú vị. Chúng lớn lên ra biển lớn, khi trưởng thành, sau 35-50 năm, rùa cái bơi hơn 600 dặm về bãi biển "quê cha đất tổ" nơi chúng được sinh ra để làm tổ khoảng ba năm một lần.
Trước đây, địa phương có nhiều khu vực rùa lên đẻ trứng. Tuy nhiên, do sự phát triển của cư dân và sinh hoạt con người, rùa ít khi lựa chọn các bãi gần khu dân cư. Năm 2010, Chi cục Thủy sản Bình Định phối hợp với tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) khảo sát và thấy rằng chỉ con bãi Hòn Khô và bãi Hải Giang (xã Nhơn Hải) là nơi rùa biển đẻ trứng.

TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định. Ảnh: Bùi Toàn
Có thời điểm người dân địa phương đã phát hiện rùa biển đẻ trứng tại Bãi Kỳ Co, xã Nhơn Lý. Năm 2021, đã ghi nhận 5 lượt rùa biển lên bãi biển Mũi Cồn thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải.
Để bảo tồn và bảo vệ bãi đẻ của rùa biển, chương trình quản lý bãi đẻ rùa biển dựa vào cộng đồng do IUCN tài trợ đã thực hiện từ tháng 6 năm 2015 đến tháng 6 năm 2018.
Chương trình này thông qua hệ thống tình nguyện viên địa phương để theo dõi và bảo vệ các khu vực biển quan trọng, tiến hành hoạt động làm sạch bãi biển và tổ chức công tác cứu hộ rùa biển, khen thưởng các cá nhân có thành tích cứu hộ rùa biển.
Từ năm 2016 đến tháng 8/2023, Chi cục Thủy sản tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động bảo vệ các bãi đẻ của rùa biển dựa trên thông tin của người dân cung cấp. Cùng với cộng đồng, đơn vị đã báo tin và cứu hộ 30 con rùa biển, bảo vệ 5 ổ rùa biển với 380 con rùa con về biển an toàn.
Rùa sống ở các thảm cỏ biển, các rạn san hô và khu vực bờ biển. Thức ăn của chúng gồm: hải miên, sứa biển, cỏ biển, giáp xác và các loại thân mềm. Rùa biển đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đại dương và bãi biển. Chúng tham gia vào chu trình tái tạo chất dinh dưỡng cho môi trường tự nhiên. Sức khỏe của rùa có thể sử dụng để nhận biết hiện trạng của các hệ sinh thái mà chúng sinh sống.
- Tại sao bảo vệ rùa biển tại gắn chặt với việc bảo tồn các rạn san hô?
- Rạn san hô được mệnh danh là "mái nhà của biển" vì là nơi trú ngụ của nhiều loài khác. Ở Bình Định, hệ sinh thái rạn san hô phân bố đa dạng, với sự tập trung lớn của san hô ở các khu vực ven biển như xã Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu, và phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn); cũng như vùng giữa hai huyện Phù Mỹ và Phú Cát, và huyện Hoài Nhơn, đặc biệt là vùng Hoài Mỹ.
Các vùng có hệ sinh thái san hô phát triển thường là nơi tập trung lớn nguồn lợi thuỷ sản, bao gồm cả các loài có giá trị kinh tế và cần bảo tồn như loài tôm hùm giống. Điều này đã tạo ra nguồn nguyên liệu quý báu để phục vụ ngành nuôi trồng tôm hùm, đồng thời hỗ trợ cho việc nuôi tôm hùm thương phẩm tại khu vực này.
Ngoài ra, gần khu vực rạn san hô có thể tìm thấy nhiều loại cá, đa dạng về loài và kích thước. Theo một số nghiên cứu, cá ở gần rạn san hô thường có hàm lượng dinh dưỡng cao, trở thành nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng trong hệ sinh thái biển. Nếu lấy nước biển ở vùng gần rạn san hô để lọc thành nước ngọt, nước này cũng chứa đựng nhiều khoáng chất quý báu cho sức khỏe và sự phát triển của sinh vật biển.
- Việc bảo vệ các rạn san hô ở Bình Định đang diễn ra thế nào?
- Tốc độ phát triển rạn san hô rất lâu nên việc bảo vệ cần được chặt chẽ và nghiêm ngặt. Từ năm 2016, các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn biển như Gef, MCD và dự án CRSD, đã hỗ trợ tỉnh Bình Định trong việc đánh giá và lập kế hoạch bảo vệ các vùng biển có rạn san hô.
Các hoạt động bảo vệ môi trường biển và hệ sinh thái san hô đã được thực hiện tích cực từ năm 2018 đến nay như làm sạch bờ biển, theo dõi rạn san hô hàng năm, và tiêu diệt sao biển gai ở các vùng rạn san hô thuộc 4 xã/phường Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải và Ghềnh Ráng.

Hàng trăm rùa biển quý hiếm có tên trong Sách đỏ đã chào đời trên bãi biển Hải Giang, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn. Ảnh:Ngọc Thuận
Hiện có tổng cộng 4 tổ chức cộng đồng đã được UBND TP Quy Nhơn công nhận và giao quyền quản lý khu vực biển theo Luật Thủy sản 2017. Các tổ này có tổng cộng 220 người, được giao quản lý 46 ha mặt nước.
Sau giai đoạn bảo vệ, các khu vực biển được khoanh vùng để bảo vệ, hệ sinh thái rạn san hô đã phục hồi và phát triển. Cụ thể, ở Bãi Dứa, độ phủ san hô đã chiếm với gần 76%, trong đó san hô mềm chiếm 13%. Ở Hòn Khô Nhỏ, đạt hơn 44%, còn ở Hòn Nhàn - Ghềnh Ráng, đạt gần 32%, và rạn san hô ở Bãi Trước -Nhơn Châu đã đạt hơn 24%. Hiện cộng đồng và du khách thường xuyên thấy rùa bơi trong rạn san hô.
Cộng đồng ngư dân đã thay đổi ý thức và tuân thủ tốt các quy định pháp luật và quy định địa phương, tham gia tích cực cùng với chính quyền địa phương trong công việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Hiện các tổ cộng đồng đang làm việc rất tốt, nhưng chúng tôi nghĩ phải có giai đoạn chuyển tiếp để họ hoạt động chuyên nghiệp hơn, gắn quyền lợi với nghĩa vụ. Chi cục Thủy sản đề xuất hỗ trợ thêm các thiết bị giám sát ở những khu vực có rạn san hô và quan trọng, tăng mức tiền hỗ trợ và người giám sát phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra thiệt hại.
- Lặn ngắm san hô là một dịch vụ thu hút du khách. Theo ông làm thế nào để cân bằng việc vừa phát triển du lịch vừa hạn chế xâm hại hệ sinh thái biển?
- Rạn san hô được bảo vệ tốt, phát triển sẽ góp phần tạo sinh kế cho người dân phát triển du lịch, chính vì vậy lặn ngắm san hô tôi cho là sản phẩm phù hợp để phát triển du lịch địa phương miễn sao đừng làm tổn hại đến loại sinh vật tự nhiên này.
Các đơn vị du lịch cũng nên tuyên truyền cho người dân và du khách tầm quan trọng của rạn san hô. Lúc tham gia lặn biển nên hạn chế giẫm đạp lên sinh vật này. Ngoài ra, chính quyền cần có chế tài xử phạt thật nặng nếu phát hiện có người cố tình phá hoại rạn san hô.
Người dân cũng không nên tổ chức ăn uống, xả thải xuống biển, neo đậu bè, thuyền, cũng cần có kỹ thuật khi ở khu vực gần rạn san hô. Tôi nghĩ địa phương cũng nên nghiên cứu phương án tạo các trụ neo để cho thuận tiện việc tàu thuyền neo đậu, tránh thả neo thẳng xuống đáy biển, đặc biệt ở vùng có san hô.
Tôi đang đề xuất chính quyền có thể thu mua những xác tàu vi phạm, tàu giã cào tận diệt, hoặc tàu người dân đánh bắt không hiệu quả. Thông thường, những tàu này nếu bị xử phạt cũng tốn nhiều thời gian và chi phí neo đậu, việc này vô cùng lãng phí.

Cồn Chim trên đầm Thị Nại. Ảnh: Dũng Nhân
Nếu địa phương chung tay nghiên cứu, quy hoạch một khu nhấn chìm tàu dưới đáy biển để tạo nên những rạn san hô nhân tạo, làm thành những cảnh quan sẽ góp phần vừa tạo nguồn lợi thủy sản, lại vừa thu hút khách tham quan dưới đáy biển, tăng thu nhập cho người dân, tạo ra một giá trị kinh tế tuần hoàn.
- Ngoài hệ sinh thái nước mặn Bình Định còn có đầm Thị Nại, đầm nước lợ lớn nhất miền Trung, trong đó có Cồn Chim. Hiện trạng có khu vực này ra sao?
- Khoảng 20 năm trước, ngành nông nghiệp Bình Định có dự án phục hồi hệ sinh thái đầm Thị Nại, trong đó đề xuất bảo vệ hệ sinh thái ngập mặn Cồn Chim. Nhờ được trồng thêm rừng, bảo vệ rừng hiện hữu nên nơi này phát triển rất tốt, tăng mật độ, giữ được nhiều gốc to.
Rừng ngập mặn tạo nơi cư trú, kiếm ăn, bãi sinh sản và vườn ươm ấu trùng con non của nhiều loài thủy sản có giá trị. Ở đây có 25 loài cây ngập mặn, trong đó 18 loài cây chủ yếu tạo rừng và 5 loài cỏ biển. Nhờ đó, Cồn Chim trở thành nơi trú ngụ của hàng chục loài chim với số lượng hàng nghìn con.
Cồn Chim là kho báu giữa đầm, nếu được phát triển đúng hướng sẽ trở thành lá phổi xanh của Bình Định. Cồn Chim cũng đã có trên bản đồ du lịch, nhờ sự phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn đã thu hút các tour du lịch. Chúng tôi kiến nghị chính quyền duy trì các chính sách để bảo tồn, bảo vệ rừng ngập mặn, đàn chim trời, phát triển du lịch cộng đồng.
- Những thành quả bước đầu trong nỗ lực bảo tồn hệ sinh thái biển của địa phương thời gian qua là gì?
- Thành phố phát triển hạ tầng, những công trình đồ sộ mọc lên là thước đo cho thấy đời sống kinh tế, xã hội đang tốt lên. Song công tác bảo tồn đặc biệt là bảo tồn hệ sinh thái biển, vùng đầm luôn được địa phương quan tâm.
Môi trường biển tốt lên nhờ những nỗ lực bảo tồn trong những năm qua, minh chứng khi những đàn cá heo, cá voi di cư đã tạo hình ảnh đẹp về địa phương.
Hệ sinh thái của đầm Thị Nại góp phần bảo vệ tốt vùng bờ, giảm bớt sóng gió, chống lại ô nhiễm mặn, giữ lại các thảm cỏ biển và điều tiết lũ. Những thành quả này sẽ là bài học thực tiễn, giáo dục cho thế hệ trẻ về kiến thức đa dạng sinh thái tại nơi giao nhau giữa nước ngọt và nước mặn, tuyên truyền được ý nghĩa của việc bảo vệ rừng.
Bùi Toàn - Phạm Linh