Nội dung được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn nêu trong chỉ đạo về việc bán nhà ở xã hội tại các dự án trong tỉnh, ngày 19/12.
Cụ thể, ngoài người dân Bình Định, người lao động từ tỉnh ngoài chỉ được xét duyệt mua nhà ở xã hội nếu làm việc tại Bình Định và có hợp đồng lao động từ một năm trở lên hoặc giấy tờ khác để chứng minh.
Trước đó, tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định vừa qua, ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định, cho biết nhiều trường hợp người ở Hà Nội đăng ký mua nhà ở xã hội tại tỉnh dù không sinh sống, làm việc tại đây. "Nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, ưu tiên những gia đình khó khăn tại địa phương. Người ngoài tỉnh chỉ nên được xét duyệt nếu đang làm việc tại đây", ông Bảo nhấn mạnh.
Bình Định là một trong những địa phương triển khai sớm các dự án xã hội theo chỉ đạo của Trung ương. Đến nay tỉnh đã có 7 dự án đã vận hành, giúp hàng nghìn người dân có nhà ở.
Tuy nhiên sau giai đoạn tiêu thụ mạnh, hiện có 600 căn hộ tồn. Năm 2025, tỉnh dự kiến xây dựng 742 căn, giảm gần một nửa so với 1.400 căn của năm 2024, do nhà đầu tư khó khăn trong tiếp cận vốn và nhu cầu thị trường giảm.
Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho rằng, từ năm 2025, khi Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực với những quy định cụ thể hơn về đối tượng mua, nhu cầu có thể tăng trở lại. Để người dân dễ tiếp cận, tỉnh kiểm soát giá bán ở mức 12 triệu đồng/m2.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh, đến năm 2030, Bình Định cần hoàn thành 12.900 căn nhà ở xã hội theo chỉ tiêu Chính phủ giao. Đến nay, tỉnh đã cấp phép 15.000 căn và đặt mục tiêu hoàn thành hơn 5.000 căn vào năm 2025.
"Năm 2025, tỉnh đăng ký số lượng thấp hơn so với năm 2024. Đây là lúc chúng ta rà soát, tính toán, cân đối để đảm bảo các dự án hoàn thành về nguyên tắc phải tiêu thụ được, tránh tình trạng nhà ở xã hội không được sử dụng, để tồn lâu quá thì sẽ lãng phí", ông Tuấn nói.
Văn Linh