Sáng 18/1, Sở Du lịch Bình Định tổ chức đón những vị khách đầu tiên đến tỉnh trên tàu SE30 dừng tại ga Quy Nhơn trong năm nay. Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở Du lịch, cho biết đây là một trong những hoạt động nhằm hút du khách bằng tàu hỏa, từ đó từng bước khai thác và phát triển sản phẩm du lịch bằng phương tiện này.
Bình Định có ga Diêu Trì và ga Quy Nhơn được đón khách. Trong đó ga Diêu Trì là một trong những ga tàu hỏa lớn ở miền Trung, tiếp nhận hàng chục chuyến tàu với hàng nghìn lượt khách mỗi ngày. Dù vậy, việc thu hút khách du lịch qua đường tàu hỏa chưa được chú trọng.
Trong bối cảnh du lịch được xem là một trong năm trụ cột kinh tế của Bình Định, tỉnh muốn đa dạng hóa loại hình phương tiện đưa du khách đến, ngoài máy bay và ôtô.
Bình Định và ngành đường sắt sẽ phối hợp để tổ chức các chuyến tàu du lịch từ các thành phố như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế đến hai ga nói trên. Trước mắt, hai bên phối hợp khai thác hiệu quả chuyến tàu Sài Gòn - Quy Nhơn (SE30) và ngược lại (SE29). Dự kiến từ nay đến hết tháng 1, SE30 sẽ đưa gần 4.500 hành khách đến Bình Định.
Tỉnh và ngành đường sắt sẽ chỉnh trang khuôn viên trước và trong nhà ga, bố trí trưng bày hình ảnh, ấn phẩm quảng bá, giới thiệu về du lịch Bình Định. Ngành du lịch cũng sẽ phát triển sản phẩm đặc trưng, đẩy mạnh truyền thông quảng bá, hỗ trợ thông tin trên các chuyến tàu để tạo ấn tượng tốt với du khách.
Năm 2024 đánh dấu bước phát triển của ngành đường sắt Việt Nam khi lượng hành khách đi tàu đạt hơn 7 triệu lượt, tăng gần một triệu so với năm 2023. Sự tăng trưởng đến từ nhiều yếu tố, trong đó có các sản phẩm du lịch.
Các chuyến tàu du lịch cao cấp như "Hành trình kết nối di sản miền Trung" giữa Huế - Đà Nẵng, "Hành trình đêm Đà Lạt", tàu cao cấp với hành trình xuyên Việt 8 ngày 7 đêm tiêu chuẩn 5 sao, và tàu La Reine trên tuyến Đà Lạt - Trại Mát đã mang lại trải nghiệm độc đáo, thu hút du khách trong và ngoài nước. Riêng chuyến tàu SJourney, với giá hơn 8.600 USD mỗi người, cho thấy khả năng phát triển các sản phẩm đường sắt du lịch cao cấp.
Bên cạnh đó, ngành đường sắt đã đầu tư nâng cấp nội thất toa xe, đảm bảo vệ sinh và chất lượng dịch vụ, đáp ứng kịp thời nhu cầu di chuyển trong các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 40%, đạt 17,6 triệu lượt, cũng tạo điều kiện thuận lợi để đường sắt mở rộng sản phẩm du lịch.
Đường sắt Việt Nam cho biết đang nỗ lực đổi mới phương tiện, dịch vụ trên tàu, dưới ga nhằm khai thác tốt dịch vụ vận tải, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và phát triển du lịch.
Phạm Linh