Trao đổi với VnExpress vào sáng 1/9, ông Trần Châu, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bình Định cho biết, còn hơn một km trong tổng số hơn 83 km chưa thể hoàn thành giải phóng mặt bằng để bàn giao nhà thầu thi công dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A.
Trong đó, dự án BOT phía bắc của tỉnh còn "vướng" 400 hộ dân ở các xã Hoài Tân, Hoài Thanh Tây (huyện Hoài Nhơn) và dự án BOT phía Nam của tỉnh còn 33 hộ dân ở nút cầu vượt quốc lộ 19 vẫn chưa được di dời.

Các đơn vị thi công mở rộng quốc lộ 1A đoạn đi qua tỉnh Bình Định.Ảnh:Trí Tín.
"Nguyên nhân chậm trễ do chủ đầu tư hai dự án BOT nói trên chưa được bố trí vốn để đền bù di dời số hộ dân này đến khu tái định cư", ông Châu nói và cho hay hai đơn vị này đang gấp rút vay khoảng 280 tỷ đồng để giải tỏa dứt điểm.
Theo ông Châu, lý do Bình Định giải phóng mặt bằng quốc lộ 1A chậm nhất nước là do đơn vị tư vấn và nhà đầu tư BOT nhiều lần thay đổi điều chỉnh thiết kế. Cụ thể đoạn BOT phía bắc bàn giao cọc giải phóng mặt bằng lần cuối vào tháng 4; còn đoạn BOT phía nam điều chỉnh 4 lần và bàn giao cọc giải phóng mặt bằng lần cuối cùng vào tháng 5.
Sự thay đổi thiết kế này làm tăng thêm 4.460 hộ cần được bồi thường giải tỏa so với dự tính ban đầu. Ngoài hai đoạn nói trên, quá trình giải phóng mặt bằng ở huyện Phù Mỹ cũng có sự điều chỉnh 28 vị trí cọc gây phát sinh thêm 41 hộ dân bị ảnh hưởng.
Một tháng trước, khi thị sát dự án mở rộng quốc lộ 1A, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê bình nhiều lãnh đạo huyện ở Bình Định thiếu sâu sát để xảy ra tình trạng giao mặt bằng chậm nhất so với cả nước.
Lãnh đạo tỉnh đã thừa nhận khuyết điểm, nghiêm túc tiếp thu và cam kết với Phó Thủ tướng sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công cuối tháng 8. Tuy nhiên, đến nay, việc này đã lỡ hẹn.
Trí Tín