-
12h20
Cuối toạ đàm là lễ ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược thúc đẩy phát triển du lịch Bình Định. Một là thoả thuận giữa Sở du lịch Bình Định và Sở du lịch Hà Nội. Hai là ký kết giữa Sở Du lịch tỉnh Bình Định với các Công ty Dịch vụ và Du lịch của Tập đoàn FLC.
Sự hợp tác này được kỳ vọng đem đến những sản phẩm mới, chất lượng, gia tăng tiện ích cho khách hàng, góp phần tạo xung lực mới nhằm kích cầu du lịch tỉnh Bình Định nói riêng và phục hồi thị trường du lịch nói chung.
-
12h10
Ngành du lịch đã chạm đáy
Ông Lâm Hải Giang - Tỉnh uỷ viên - Phó chủ tịch UBND Tỉnh Bình Định cho biết hiện nay, ngành du lịch đã chạm đáy, chúng ta phải nỗ lực rất nhiều để phục hồi. Nhưng mở cửa đến đâu và như thế nào phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh cũng như bao phủ vaccine. Chúng ta phải cùng với nhau hợp lực để vượt qua, do đó, ông cho rằng sự kết nối giữa các địa phương, doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển du lịch là rất cần thiết. Nếu không có sự liên kết này, ngành du lịch còn rất lao đao trong giai đoạn tới.
Dù hiện tại là giai đoạn thấp điểm nhưng Bình Định mong muốn trong thời gian mới mở cửa du lịch trở lại, sẽ đón khách du lịch nội địa và đặc biệt, phát triển các loại hình tổ chức hội nghị, hội thảo..., có thể đón khách vào Tết cổ truyền dân tộc với hình thức du lịch nghỉ dưỡng.
Hướng đi sắp tới của Bình Định là đón khách theo tour, du lịch trọn gói bởi điều kiện đón khách lẻ không đảm bảo an toàn. Tỉnh luôn băn khoăn khi lựa chọn tiêu chí, điều kiện với khách du lịch và gặp khó khăn khi giải bài toán này. Nếu tỉnh làm chặt thì không thu hút được khách nhưng khi nới lỏng cũng chưa chắc đã hấp dẫn họ vì du khách có cảm giảm không an toàn. Tỉnh dặt ra tiêu chí du khách tới với Bình Định sẽ an toàn khi trở về.
Vừa qua, Bộ y tế có hướng dẫn các địa phương chủ động xây dựng kịch bản cách ly y tế tập trung tại cơ sở lưu trú đối với F1 và điều trị F0 tại nhà. Tỉnh đã nắm được tinh thần này và cho ngành y tế triển khai ngay. Về lâu dài, chúng ta cần tăng cường biện pháp phòng, tránh dịch bệnh, phải đồng bộ các giải pháp, tạo ra sản phẩm mới, thực hiện liên kết vùng.
Bình Định được cho là điểm đến mới nhưng ông khẳng định "mới rồi cũng cũ nếu chúng ta không biết làm mới mình". Bên cạnh việc làm mới, tỉnh mong muốn du khách sẽ thoải mái nhất khi tới Bình Định. Để làm được điều đó, các thủ tục đón khách, đầu mối giao thông phải đơn giản, gọn nhẹ và an toàn. Tỉnh sẽ đưa ra các biện pháp vừa đảm bảo kiểm soát dịch, vừa tạo sự thoải mái cho du khách. Tiếp theo là công tác truyền thông. Các cơ quan thông tấn báo chí, doanh nghiệp lữ hành hỗ trợ tích cực cho tỉnh trong công tác truyền thông, truyền đạt cho khách du lịch các sản phẩm địa phương, tạo hiệu ứng tốt trong thời gian tới.
Cuối cùng, chương trình, kế hoạch có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực của các doanh nghiệp. Doanh ngiệp cần chuẩn bị sẵn sang về cơ sở vật chất, năng lượng, sản phẩm mới... để đón khách.
-
11h50
Cần tăng cường sự kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch
Ông Nguyễn Phạm Kim Chung, lãnh đạo của một doanh nghiệp lữ hành đề xuất tăng cường kết nối với doanh nghiệp du lịch Bình Định. Theo ông, lâu nay, FLC là một "con chim đầu đàn", nhà đầu tư chiến lược, do đó, ông mong muốn tăng cường sự phối hợp giữa Tập đoàn FLC và địa phương.
Thứ hai, với cấp Bộ và Chính phủ, ông nhận thấy có sự trở ngại, ách tắc lâu nay. Đó là các doanh nghiệp địa phương thường không phải là doanh nghiệp lớn, do đó, khi đón khách quốc tế tới địa phương, họ thường gặp rào cản về quy định. Các địa phương, công ty du lịch lữ hành quốc tế không nhiều, điều kiện phục vụ là lữ hành quốc tế là phải có quỹ 500 triệu đồng, điều này là quá sức đối với hầu hết doanh nghiệp. Theo ông, cấp Bộ cần xem xét, điều chỉnh. Với lữ hành quốc tế, mức ký quỹ với khách đi nước ngoài cần cao nhưng nếu du khách vào nội địa, tới địa phương, chúng ta nên mở rộng hơn đối tượng được phục vụ.
Thứ ba, cần tăng cường an toàn cho địa phương và doanh nghiệp, đối tác. Các đơn vị đều triển khai vấn đề này khá tốt và hầu như không gặp khó khăn.
Thứ tư, chúng ta cần mạnh dạn, chú trọng trong phát triển thị trường khách du lịch quốc tế. Tập đoàn FLC cần kết nối với các doanh nghiệp, địa phương để có những bộ sản phẩm phù hợp với thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn cần chia sẻ những phương pháp truyền thông, tạo sự hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch Bình Định, nhằm tăng sự cạnh tranh trong vùng ở Việt Nam với quốc gia lân cận. Ngoài ra, doanh nghiệp địa phương ở đầu mối lớn như TP HCM, Hà Nội cùng đồng hành với nhau trong vấn đề chia sẻ kinh nghiệm truyền thông.
Khái quát các ý kiến từ đại diện doanh nghiệp, Tiến sĩ Cao Trí Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam - Miền Trung, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch Travelmart chia sẻ, có 2 khó khăn cho ngành du lịch tỉnh Bình Định ở thời điểm hiện tại. Thứ nhất là y tế điạ phương phải đảm bảo, cần giao thẩm quyền y tế cho địa phương, chủ động trong việc xuất hiện rủi ro F0. Thứ hai là, xác định Bình Định sẽ là địa phương thứ 6 đón khách quốc tế, theo lộ trình, ông Dũng đề nghị FLC cùng địa phương tập trung vào sản phẩm hẫp dẫn để tạo sức hút với du khách.
Ông Lâm Hải Giang, Tỉnh uỷ viên - Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Định, cho rằng, Bình Định đã sẵn sàng và mong muốn mở cửa đón khách quốc tế trong thời gian sớm nhất.
-
11h40
FLC tích cực đề xuất kế hoạch chuẩn bị đón khách quốc tế
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Bùi Hải Huyền, Thành viên HĐQT, TGĐ Tập đoàn FLC đề xuất như sau. Một là xin phép được phê duyệt sớm trong việc công nhận Bình Định là điểm đến xanh càng sớm càng tốt, trước tháng 1/2022. Hai là, tỉnh phải tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các tỉnh lân cận để hấp dẫn du khách, theo đúng tiêu chí thông điệp, một điểm đến nhiều trải nghiệm. Ba là, Bình Định cần nhanh chóng đưa ra các hướng dẫn chi tiết cho các đơn vị cung cấp dịch vụ tại điha phương, du khách, người dân. Cuối cùng là đẩy mạnh công tác truyền thông, phối hợp với tập đoàn FLC, làm thế nào để Bình Định trở thành điểm đến mới, thu hút. Công ty du lịch lữ hàng cần đưa ra các sáng kiến cho Bình Định nói chung và FLC nói riêng các sản phẩm chương trình để giới thiệu, quảng bá đến các hãng du lịch nước ngoài.
Để chuẩn bị cho việc mở cửa đón khách quốc tế, phía FLC cũng cam kết, hãng hàng không Bamboo Airways, hệ thống quần thể của tập đoàn sẽ tuân thủ hướng dẫn theo yêu cầu của các cơ quan trong việc đón khách quốc tế; liên tục đào tạo nâng cấp dịch vụ, tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, FLC đã phủ rộng tiêm vaccine. Hiện, toàn bộ cán bộ Quy Nhơn và FLC đã hoàn thiện 2 mũi. Tập đoàn cũng phối hợp với các tỉnh, địa phương, tiêm cho nhà thầu, nhà cung cấp dịch vụ lân cận với những điểm mà FLC có quần thể hệ sinh thái và đang tích cực chuẩn bị cho mũi vaccine thứ ba. Ngoài ra, FLC đã xây dựng chương trình du lịch khép kín, an toàn, đầy đủ dịch vụ và trình lên tỉnh Bình Định với mong muốn sớm được phê duyệt để chuẩn bị đón khách quốc tế.
-
11h35
Bình Định chuẩn bị mọi kế hoạch cụ thể sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế
Ông Lâm Hải Giang - Tỉnh uỷ viên - Phó chủ tịch UBND Tỉnh Bình Định cho biết để triển khai được các kế hoạch đề ra, chúng ta cần mở cưa. Tuy nhiên, vấn đề không phải ở địa phương mà là ở doanh nghiệp, du khách có tới hay không. Để du khách quay trở lại, đặc biệt là du khách quốc tế, chúng ta phải tạo ra điểm đến thật an toàn, hấp dẫn. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Định đã phối hợp cùng FLC và Tổng cục du lịch để tìm ra giải pháp phá thế đóng băng, phục hồi du lịch. Bình Định coi doanh nghiệp là người bạn, người đồng hành bởi nếu không có các doanh nghiệp lữ hành làm tốt truyền thông, giới thiệu sản phẩm, tỉnh sẽ gặp khó khăn trong việc đón khách.
Trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh Bình Định cũng kết hợp cùng FLC trong việc phát triển du lịch. Và nếu được lựa chọn, Bình Định mong muốn chọn đối tượng khách du lịch là người Việt Nam nhưng ở nước ngoài, tạo ra khởi động an toàn, từ đó thu hút khách. Trong thời gian tới, du lịch miền Trung vào mùa thấp điểm nhưng đây lại là thời điểm hấp dẫn với khách du lịch quốc tế vì là kỳ nghỉ đông của họ. Bình Định sẽ chuẩn bị mọi điều kiện, kế hoạch cụ thể, khả thi nhất để có thể triển khai kế hoạch phát triển du lịch đề ra.
-
11h27
Kết hợp linh hoạt tour nội địa cho khách quốc tế
Về việc chuẩn bị để mở cửa đón khách quốc tế, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở du lịch Bình Định cho biết, tỉnh đang nỗ lực có những kế hoạch cụ thể. Hàng năm, trung bình, Bình Định đón trên dưới 200.000 lượt khách quốc tế, tuy nhiên do dịch Covid-19, năm 2021, tỉnh chỉ đón đc 77.000 lượt khách. "Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu, tập trung thị trường đông Bác Á, Đông Nam Á, Mỹ...", ông Thanh cho biết thêm. Đại diện Sở du lịch tỉnh cũng chia sẻ, công ty lữ hành và các hãng hàng không cần có sự liên kết, để kết nối và phát triển tour nội địa cho khách quốc tế.
Về công tác chuẩn bị đón khách quốc tế, tiêu chí đầu tiên mà Bình Định quan tâm là an toàn, thích ứng linh hoạt theo chủ trương của Chính phủ. Theo đó, Bình Định đã triển khai mạnh công tác phòng chống Covid-19. Xử lý linh hoạt khi gặp các trường hợp F0 tại các cơ sở lưu trú. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn, các cơ sở lưu trú đạt chuẩn 3-4-5 sao, chuẩn bị tốt các điều kiện đón khách, đồng thời tuyên truyền đến người dân, chuẩn bị tâm thế đón du khách quốc tế tới Bình Định.
-
11h22
Phú Yên và Bình Định sẵn sàng đón khách quốc tế
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Quyền Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Phú Yên cho biết trong thời gian qua, Phú Yên và Bình Định có sự kết nối để đón khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Phú Yên vẫn chưa đón khách quốc tế. Thời gian tới, Phú Yên sẽ phối hợp với Tổng cục du lịch, bộ ngành trung ương, mở các chuyến bay quốc tế khi tình hình dịch ổn định.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó tổng giám đốc thường trực Bamboo Airways cho biết sân bay Phù Cát chỉ tiếp nhận máy bay A321 trở xuống nhưng đã có thể đón khách từ Hàn Quốc về sân bay Phù Cát. Còn xa hơn là châu Âu thì sân bay chưa tiếp cận được máy bay lớn nhưng vấn đề này đã được giải quyết. Theo đó, các sân bay lớn có thể hạ cánh tại các tỉnh lân cận, sau đó di chuyển giữa các tỉnh với nhau.
Bamboo Airways và FLC đã có kế hoạch cụ thể, có thể kết hợp tiềm năng các địa phương thông qua chủ chương của chính phủ. Hãng đã cùng các doanh nghiệp mang sản phẩm của mình đưa ra nước ngoài chào hàng, với các chuyến bay thường lệ đi về Phú Quốc, Nha Trang...
-
11h15
Cạnh tranh điểm đến để đẩy mạnh phát triển du lịch
Sau những chia sẻ của lãnh đạo Tổng cục, đại diện Hiệp hội và các doanh nghiệp, toạ đàm chuyển sang phần hai về việc chuẩn bị nguồn nhân lực để đón khách quốc tế.
Mở đầu tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Tổng giám đốc thường trực Bamboo Airways, cho biết, du lịch nội địa sẽ được tập trung vào quý IV. Tuy nhiên, Chính phủ và doanh nghiệp cũng cần tính đến việc phục hồi các đường bay, lan toả thông điệp du lịch xanh bằng những tiêu chí cụ thể... Về kích cầu, mục tiêu chính là tạo ra sản phẩm xanh, tức là an toàn.
Hiện, Việt Nam có 5 địa phương được đón khách quốc tế. Theo ông, cạnh tranh điểm đến là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. "Nếu Bình Định được góp phần vào việc cạnh tranh điểm đến là cơ hội phát triển cho ngành sẽ tốt hơn. Để làm được điều đó cần sự hỗ trợ của Chính phủ, bên cạnh sự nỗ lực của địa phương và doanh nghiệp", ông Quân chia sẻ.
Về phía Bamboo Airways, hãng hàng không này đã thực hiện các chuyến bay quốc tế về Việt Nam theo nhiều hình thức. Phần lớn các chuyến bay sau một quy trình test, cách ly nghiêm ngặt đều đảm bảo an toàn, rất hy hữu mới có trường hợp phát sinh. Theo ông Quân, đây là điều kiện quan trọng để bước vào giai đoạn mở cửa đón khách quốc tế cũng như tham gia vào quá trình phục hồi sản xuất trong bối cảnh mới.
-
11h10
Khôi phục hoạt động du lịch là nhu cầu bức thiết
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho biết khôi phục hoạt động du lịch là nhu cầu bức thiết nhất, phải vừa đảm bảo an toàn, vừa hấp dẫn. Hiện tại, các doanh nghiệp đều quyết tâm khôi phục lại doanh nghiệp của mình. Chúng ta không có biện pháp khôi phuc thì sẽ hứng chịu nhiều thiệt hại nên càng khôi phục sớm thì càng tốt. Theo ông, để an toàn, chúng ta cần tiêm chủng vaccine và Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ tiêm chủng rất nhanh trong khu vực.
Sau khi tiêm vaccine, chúng ta cần có kế hoạch phục hồi, cần thực hiện du lịch theo nguyên tác 5k. Tiếp theo là ứng dụng công nghệ, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, giao dịch... Cuối cùng là yếu tố truyền thông, để mọi người luôn nhắc nhở, ý thức đảm bảo an toàn, là công cụ giúp chúng ta đánh tan rào cản lo ngại khi đi du lịch.
Với yếu tố an toàn, Chính phủ có Nghị quyết 128. Trên tinh thần Nghị quyết 128, Bộ văn hóa, thể thao và du lịch đưa ra hướng dẫn tạm thời số 3862 về thích ứng an toàn, linh hoạt trong thể thao, du lịch. Theo hướng dẫn tạm thời này, với hoạt động du lịch cấp độ 4 (tức là vùng màu đỏ), hoạt động du lịch vẫn diễn ra, chỉ không đi tour. Nhà hàng trong khách sạn vẫn được tổ chức, chỉ giảm công suất hoạt động xuống 30%. Tiếp theo, các doanh nghiệp, địa phương cần tạo ra sản phẩm hấp dẫn, đa dạng hóa, đáp ứng xu hướng mới của thị trường.
-
10h53
Ổn định tâm lý du khách là điều quan trọng
Tiếp nối chia sẻ củ đại diện các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Vietrantour cho biết, Vietrantour đang quy hoạch lại bộ phận nhân sự khi nhân sự của doanh nghiệp này giảm từ 119 người xuống chỉ còn 30%. Doanh nghiệp phải xây dựng quy trình mới, đào tạo lại toàn bộ nhân sự. Đơn cử, nhân viên không chỉ bán hàng mà còn phải là chuyên gia về truyền thông, truyền tải thông điệp an toàn, người điều hành tham gia xây dựng sản phẩm, chăm sóc khách hàng.
Một trong những trăn trở lớn của doanh nghiệp là xây dựng sản phẩm. Bình Định có tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng, văn hoá, ẩm thực, thậm chí có thể kết hợp du lịch với giáo dục. Vietrantour đang nỗ lực tận dụng các yếu tố này để phát triển những sản phẩm mới, phù hợp với yêu cầu và tâm lý du khách.
Đại diện Viettrantour cũng cho rằng truyền thông giúp tâm lý khách hàng ổn định là điều quan trọng. Khách hàng cần cảm xúc mới và sự thăng hoa mới dựa trên việc tham gia sản phẩm xanh, trải nghiệm trải nghiệm xanh cùng mức chi phí phù hợp. Theo đó, Vietrantour đang tập trung xây dựng sản phẩm nghỉ dưỡng xanh, hướng tới việc đảm bảo cam kết của doanh nghiệp với khách hàng.