Tan cuộc họp, tay ôm tấm bằng khen, tay lấy khăn chấm nước mắt, chị Sen kể: "Tôi có nói với ông về công tác của mình, vợ chồng chia sẻ gánh nặng gia đình để tôi đảm nhận công tác hội. Thời gian đầu, ông vui vẻ, nên tôi mới yên tâm lo làm tốt công việc của mình. Ai ngờ, năm vừa qua, ông gặp một bà. Chẳng biết bà ngon ngọt thế nào ông về lý sự cần một người vợ bình thường, không cần một cán bộ. Tòa án hòa giải không thành, ông không nghe mà còn xúc phạm tôi".
Nói đến chồng mình, chị Xuân Hạnh, trưởng phòng quảng cáo một công ty liên doanh lắc đầu chán nản: "Làm việc cật lực ở công ty, về nhà là vùi đầu vào bếp núc, nhà cửa, con cái. Vậy mà chồng thì cứ nhàn đàm, phiếm luận... ở quán cà phê. Mình cũng gắng chịu đựng. Năm ngoái, cơ quan cho đi tu nghiệp 2 tháng ở nước ngoài, về nói với chồng, anh ấy tỉnh bơ: Em nhắm xếp cái nhà và 2 đứa con cho gọn lại rồi bỏ vào vali mang theo được thì cứ đi". Cuối cùng chị Hạnh đành bỏ lỡ cơ hội.
Đề cập đến vấn đề bình đẳng nam nữ, bà Nguyễn Thế Thanh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM, cho biết, ở VN, khi nói đến gia đình người ta nghĩ ngay đến phụ nữ. Một người đàn ông khi ra đường áo quần nhăn nhúm, tóc tai bù xù, chưa cần tìm hiểu nguyên nhân, thiên hạ đã phán: "Vợ ông ấy chắc không biết lo cho chồng". Trong khi đó, có mấy ai băn khoăn khi người phụ nữ già đi rất nhanh so với tuổi của mình bởi lao động lam lũ. Họ cũng chẳng hề tìm hiểu nguyên nhân vì sao chị A, chị B nào đó một nách 2 con nhỏ mà vẫn là chiến sĩ thi đua nhiều năm liền. Chính thái độ này thể hiện định kiến xã hội hẹp hòi đối với người phụ nữ.
Bà Thanh cũng nhìn nhận, so với trước kia, mối quan hệ nam nữ, chồng vợ đã cải thiện, những dấu hiệu ban đầu như chia sẻ công việc nhà, tạo điều kiện cho vợ học tập, thăng tiến trong công việc đã được nhiều ông chồng, đặc biệt là những đôi vợ chồng trẻ thực hiện. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, người phụ nữ nên tận dụng sự ngọt ngào, dịu dàng... vốn có của mình để thuyết phục, kêu gọi tinh thần tự nguyện, sự cảm thông và trách nhiệm của người chồng trong công việc gia đình, thay vì "đấu tranh trực diện" để cuối cùng không biết... "tránh đâu".
(Theo Phụ Nữ, 30/6)