"Đó chỉ là bình đẳng giới trên bề mặt", Thu Hằng, 33 tuổi, nhân viên của một doanh nghiệp nhà nước ở Hà Nội nói.
Cô dẫn ví dụ tại cơ quan vẫn tồn tại rất nhiều sự bất bình đẳng. Dễ thấy nhất là việc chuẩn bị cho bữa tiệc ăn gì, ở đâu hay khâu dọn dẹp trong ngày 8/3 đều giao cho phụ nữ. Phòng cô có 10 nam, hai nữ, mỗi năm đến ngày này còn tất bật, mệt hơn cả ngày thường.
Những việc không tên cũng đến tay cô và nữ đồng nghiệp. Hàng ngày họ phải lo việc trà nước cho 12 người và ghi biên bản trong các cuộc họp. "Đến công sở nhưng vẫn phải làm các công việc không tên như ở nhà", Hằng nói. "Những công việc này mất thời gian, không được trả lương, càng không được đánh giá cao".
Hai năm trước, Hằng xin cấp trên chuyển từ bộ phận hành chính sang làm dự án để tăng cơ hội học hỏi. "Nhưng cấp trên khuyên làm hành chính để còn có thời gian lo cho chồng, cho con", cô kể.
Đến hẹn lại lên, các hộ cùng tầng ở chung cư chị Bích Ngọc, quận Hà Đông lại bàn kế hoạch liên hoan ngày 8/3. Đây là dịp để những người chồng nâng chén chúc mừng những người mẹ, người vợ. "Bữa tiệc là một cách để gắn bó các gia đình với nhau. Nhưng cũng có một thực tế khác là chị em ăn thì ít, anh em uống thì nhiều", chị Ngọc, 43 tuổi, nói.
Điều Ngọc thấy kỳ quặc là một số nam giới ngày thường "không đụng tay vào cái chổi" lại rất xông xáo trong các hoạt động này. Ví dụ người trưởng tầng hơn 40 tuổi có hai con mới 5 tháng và 3 tuổi, nhưng tất cả các công việc nhà, đến chăm sóc trẻ con đều do vợ và bố mẹ vợ đảm đương. Trong những bữa liên hoan, anh này luôn đứng lên phát biểu cảm ơn chị em phụ nữ "vừa giỏi kiếm tiền, giỏi sinh đẻ và chu đáo việc nhà" và xung phong rửa bát trong ngày 8/3 và 20/10.
"Một năm hai lần rửa bát và anh ấy cho đó là bình đẳng", chị Ngọc nói.
Việt Nam đã có khung pháp luật và chính sách về bình đẳng giới và có những tiến bộ đáng kể so các nước trong khu vực. Trong Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2023 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với 2022.
Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn cho thấy bức tranh bình đẳng giới không mấy lạc quan, do những cấu trúc sâu xa của sự bất bình đẳng vẫn chưa được công nhận, khám phá và phân biệt giới tính tại nơi làm việc ngày càng phức tạp trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Một nghiên cứu năm 2023 của doanh nghiệp xã hội ECUE với 160 doanh nghiệp ở Việt Nam cho thấy vẫn đang còn thiếu những kiến thức về giới nói chung và giới tại nơi làm việc nói riêng. Các hoạt động nhân ngày liên quan như Quốc tế Phụ nữ 8/3 hay Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 hay Ngày quốc tế đàn ông đang bị thương mại hóa.
"Khi kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ bằng các hoạt động tặng hoa, cho chị em nghỉ việc đi làm đẹp, hoặc tổ chức các cuộc thi tài năng nấu ăn, cắm hoa cũng đồng nghĩa đang tiếp tục khắc sâu khuôn mẫu giới coi phụ nữ là người có trách nhiệm chăm sóc", ông Lê Quang Bình, đại diện nhóm nghiên cứu nêu ý kiến.
Tại công sở, phụ nữ vẫn phải làm chính các công việc trà nước, hậu cần khiến họ bị giảm bớt thời gian, năng lượng cho sự nghiệp. Phụ nữ thường bị phân vào các phòng ban mang tính hành chính, nhân sự hoặc dịch vụ. Tại nhà, câu chuyện chăm sóc gia đình nói rất nhiều những năm qua nhưng gần như không có thay đổi gì.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2023 thu nhập bình quân của lao động nam đạt 8,1 triệu đồng và nữ 6 triệu đồng. Khoảng cách về giới trong thu nhập là 29,5%, trong đó chênh lệch ở khu vực thành thị là 21,5% và ở khu vực nông thôn là 35%.
Trong Tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam 2021, UN Women (Liên Hợp Quốc) cho rằng ở Việt Nam, cũng như các quốc gia khác, vẫn tồn tại quan niệm phụ nữ là "người kiếm tiền phụ", trong nam giới là "người kiếm tiền chính"".
Đồng quan điểm, tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho rằng ở nhiều cơ quan, doanh nghiệp, bình đẳng giới vẫn nặng về hình thức, chủ yếu tập trung vào việc tổ chức ngày 8/3 và 20/10. "Phụ nữ luôn được động viên để vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà mà vẫn xinh đẹp, làm cho chồng con hạnh phúc", chuyên gia nói và gọi đây là bất bình đẳng giới tinh vi hoặc bình đẳng giới không thực chất.
Bà Hồng từng nghe một nữ công nhân chia sẻ tháng nào cũng bị trừ một khoản lương vì "hay vào nhà vệ sinh". Hóa ra cô bị chứng kinh nguyệt ra nhiều nên buộc phải thay băng vệ sinh thường xuyên.
Chuyên gia cho rằng đây là tình trạng "mù giới" của nhiều chủ lao động. Họ không nắm được những đặc điểm sinh lý của phụ nữ để có những quy định phù hợp và tạo điều kiện cho lao động nữ làm việc thuận lợi hơn.
Nghiên cứu của ECUE cho thấy các chủ doanh nghiệp chưa thực sự hiểu hết về bình đẳng giới, vẫn nhiều định kiến vô thức về giới nên mới tiếp tục có các hoạt động khắc sâu khuôn mẫu giới. Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng cơ quan họ đã có bình đẳng giới rồi, vì "không đề cập tới yếu tố giới tính trong thông tin tuyển dụng hoặc coi giới tính là điều kiện thăng tiến".
"Đây chỉ là bình đẳng giới hình thức, bởi lẽ đã không tính đến đặc điểm sinh lý và gánh nặng chăm sóc của phụ nữ. Thực tế này khiến người phụ nữ không có một sân chơi công bằng với nam giới ở nơi làm việc", ông Bình nói.
Theo chuyên gia tuyển dụng Nguyễn Phương Mai, xu hướng tuyển dụng tại Việt Nam trong những năm qua đang ngày càng gần với xu hướng chung trên thế giới, tuy nhiên vẫn còn những bất bình đẳng ngầm.
"Nhiều nhà tuyển dụng ngần ngại khi tuyển nữ vì lo ngại thời gian nghỉ thai sản và có một số ngành thường bị cho là phù hợp hơn với nam giới như công nghệ, dầu khí, sản xuất, xây dựng. Do đó nhiều nhà tuyển dụng ngầm phân biệt đối xử hoặc chủ động lọc hồ sơ ứng viên từ đầu", bà nói.
Các chuyên gia nhấn mạnh, muốn có bình đẳng giới thực chất, người lao động và các cơ quan cần phải trả thù lao và phân công công việc dựa trên cả khối lượng việc nhà của phụ nữ và các đặc điểm tâm sinh lý để tạo điều kiện cho họ làm việc tốt nhất, chứ không phải đàn ông làm gì, phụ nữ làm cái đó mới là bình đẳng.
"Người phụ nữ ngoài đi làm cơ quan, còn trách nhiệm lớn với gia đình, con cái và cha mẹ già. Đấy cũng là trách nhiệm của họ đối với xã hội và cần phải được tính vào công lao động cho phụ nữ", bà Hồng nói.
Theo chuyên gia, đầu tiên và dai dẳng nhất là thời gian lao động của phụ nữ nhiều hơn của đàn ông. "Nghiên cứu giới và thị trường lao động Việt Nam" năm 2021 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ ra trung bình phụ nữ làm việc 59 giờ, nam giới làm việc 50 giờ mỗi tuần, trong đó thời gian làm việc nhà của phụ nữ cao gấp đôi nam giới.
Thứ hai, định kiến về năng lực lãnh đạo của phụ nữ vẫn còn rất sâu sắc. Nhiều người vẫn nghĩ đàn ông làm lãnh đạo tốt hơn vì quyết đoán, giỏi giang, có tầm nhìn xa trông rộng. Phụ nữ cảm tính, chỉ quen làm công việc tỉ mỉ, ưu tiên gia đình nên không làm được công việc "quốc gia đại sự", áp lực cao. Thực tế hiện nay, trong nhiều ngành như giáo dục, y tế, da giày, dệt may, phụ nữ chiếm hơn 70% lực lượng lao động nhưng tỷ lệ nữ lãnh đạo chỉ khoảng 20%..
Thứ ba là nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong việc chăm sóc gia đình, con cái, coi đó là "thiên chức" của phụ nữ, là "định mệnh tại thiên thư". Quan niệm này khiến cả đàn ông và phụ nữ tin rằng chỉ phụ nữ làm công việc này mới phù hợp, mới tốt, không ai làm thay được.
"Ba điểm này cho thấy lối suy nghĩ truyền thống có thể đẩy chị em đến thiệt thòi như thế nào. Họ phải cố gắng đòi hỏi quyền lợi, đồng thời bản thân cũng phải mạnh mẽ, tự tin hơn, chứ không chỉ nghe những lời hay ý đẹp", bà Hồng nói.
Phan Dương