Thu hẹp khoảng cách bằng rút ngắn quãng đường đến trường
Chia sẻ tại sự kiện BridgeFest 2019, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê bắt đầu vấn đề bình đẳng trong giáo dục từ câu chuyện vượt lên số phận của chính cô. Sinh ra trong buôn làng nghèo, cô gái Ê đê vượt qua những quan niệm của cộng đồng, từ chối đề nghị kết hôn ở tuổi 14, quyết tâm đi học ở thành phố để thay đổi cuộc đời.
Một buổi đi học, một buổi phụ cha mẹ làm rẫy, đến cấp 3, quãng đường đến trường của H’Hen Niê dài và khó khăn hơn. "Đây cũng là giai đoạn các em dân tộc thiểu số hay nghỉ học", cô nói. "Trong buôn của tôi, tính đến nay, những người học hết cấp 3 và đi học đại học chỉ có hai người, là tôi và một người em họ."
Với câu chuyện này, H’Hen Niê cho biết cô mong muốn truyền cảm hứng để trẻ em, người dân ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi cuộc sống bằng giáo dục.

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê bắt đầu vấn đề bình đẳng trong giáo dục từ câu chuyện vượt lên số phận của chính cô.
Câu chuyện về khoảng cách giáo dục mà H’Hen Niê nhắc đến được khách mời thứ hai - Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, Nhà sáng lập Đại học trực tuyến FUNiX đặc biệt chia sẻ. "Ở những buôn làng xa xôi, số người đẹp như H’Hen Niê có thể hiếm, nhưng số người ham học, khát khao vươn lên bằng con đường học tập thì rất nhiều", đồng sáng lập Tập đoàn FPT dí dỏm nói. Theo ông, trở ngại lớn nhất với các học sinh ở vùng sâu vùng xa là khoảng cách địa lý để đến trường và số thầy cô để hỗ trợ những khát khao đó được hiện thực hóa.
Với góc nhìn của một nhà giáo dục, Founder FUNiX khẳng định trong thời đại này, hoàn toàn có thể thu hẹp khoảng cách giáo dục trên bằng internet.
"Chúng tôi đang có ý tưởng biến mỗi quán game thành trường đại học. Ở bất kỳ làng xóm nào chúng ta đều thấy có những quán internet. Nếu các em muốn học và chúng ta biết cách gợi mở, dẫn dắt, các em có thể học tại đó, truy cập bài giảng, kết nối với các chuyên gia. Quán game sẽ là trường đại học của chính các em", ông Nam chia sẻ.
"Phụ huynh là nguyên nhân lớn cản trở bình đẳng giáo dục"
Tiếp cận câu chuyện bình đẳng giáo dục, ông Nam cho rằng bình đẳng trong giáo dục là được quyền từ bỏ, học sinh được tự quyết định việc học tập của mình.
"Ngoài cơ sở vật chất, phụ huynh chính là một nguyên nhân lớn cản trở bình đẳng giáo dục", nhà sáng lập FUNiX nhận định. Theo ông Nam, phụ huynh thường đặt kỳ vọng, mong muốn cá nhân lên việc giáo dục con cái, nhiều khi ép con phải đi theo những định hướng mà đứa trẻ không yêu thích, hoặc không phù hợp với năng lực.
Ông Nam cho rằng bản chất giáo dục là hướng tới tự học. Người học phải là người tự quyết định mình học gì, lựa chọn hành trình cho chính mình cũng như quyết định dừng học ở đâu là phù hợp.

Nhà sáng lập FUNiX cho rằng bình đẳng trong giáo dục là được quyền từ bỏ.
Cũng từ quan điểm này, nhà sáng lập Tập đoàn FPT đã cho ra đời mô hình giáo dục đại học hoàn toàn mới ở Việt Nam - trường đại học trực tuyến FUNiX. Trường học trực tuyến như FUNiX là nơi "sinh viên khai giảng hàng tuần và có thể tự quyết định tốt nghiệp bất cứ lúc nào" như cách ông định nghĩa.
Ông Nam cũng chia sẻ về câu chuyện của một sinh viên FUNiX 40 tuổi như một ví dụ truyền cảm hứng. Đã ổn định công việc, nhưng sinh viên đến từ Thanh Hóa này vẫn luôn ấp ủ ước mơ trở thành lập trình viên và quyết định học trực tuyến tại FUNiX. Tuy nhiên, sau 6 tháng học tập, anh không thể theo được chương trình và dừng lại. Anh cảm ơn nhà trường vì đã cho mình cơ hội để thử sức và nhận ra năng lực của mình không phù hợp với đam mê đó.
"Mọi người có thể cho đây là câu chuyện thất bại. Nhưng khi nghe chia sẻ, tôi thấy bạn đó đã tốt nghiệp rồi", ông Nam nói. Bởi vì giá trị của việc học, theo ông, không phải để vượt qua những kỳ thi, nhận điểm số tốt hay lấy được một tấm bằng, mà là người học có cơ hội được học, được biết mình phù hợp với cái gì và từ đó quyết định con đường đi của mình.
"Internet đang trao cơ hội học tập lớn"

Hen cho rằng khi được theo hết hành trình đi học và hạnh phúc với việc học tập của mình, mỗi người sẽ đạt mục tiêu mà mình đề ra.
Bàn về việc làm thế nào để có sự bình đẳng giáo dục, Hoa hậu H’Hen Niê cho rằng cần quan tâm tới hai yếu tố: thực tế xã hội đòi hỏi mỗi người như thế nào để trau dồi đúng những tố chất đó, và phụ huynh cần ưu tiên hạnh phúc của con khi đi học.
"Tuy mẹ luôn muốn tôi lấy chồng, nhưng khi tôi quyết định lên thành phố để học tập theo đúng mong muốn của bản thân, chính bà đã vay tiền để tôi đi học", người đẹp chia sẻ. Cô cho rằng khi được theo hết hành trình đi học và hạnh phúc với việc học tập của mình, mỗi người sẽ đạt mục tiêu mà mình đề ra. Miễn là được học và thử sức, không nhất thiết phải theo đuổi đúng mục tiêu ban đầu, mỗi người sẽ có thành công riêng.
Nhà sáng lập FUNiX Nguyễn Thành Nam nhận định, để có bình đẳng giáo dục, trước hết phụ huynh phải thay đổi - trao cho con cái quyền tự quyết định lựa chọn con đường học tập của mình. Ông Nguyễn Thành Nam đồng thời nhấn mạnh: các nhà giáo dục, phụ huynh và từng người học phải khai thác được tối đa sức mạnh giáo dục từ internet.
"Phụ huynh đừng sợ hãi internet. Phải nhìn internet là cơ hội và phải tạo cơ hội để cho con mình học tập qua internet" ông Nam chia sẻ. "Nhờ internet và công nghệ, bất kỳ ai ở bất kỳ đâu, trong đó có những trẻ em ở vùng sâu xa nhất đều có cơ hội học tập ngang bằng, với những giáo trình, kiến thức tương đương không chỉ bạn bè ở thành phố mà cả bạn bè trên toàn thế giới".
Nguyên Chương