Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến - Phó Văn phòng Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết: "Với lực lượng hiện có, Binh chủng Hoá học có thể tẩy sạch hoàn toàn chất độc quanh khu vực cháy của nhà kho Rạng Đông". Cũng theo ông Tiến, quân đội đã thực hiện tiêu tẩy nhiều vụ ô nhiễm do hoá chất, mới nhất là vụ ô nhiễm hơn 30 tấn hoá chất trên biển, dù bị loang nhanh nhưng đã được xử lý rất thành công.
Viện Hoá học Môi trường Quân sự (Binh chủng Hoá học) đã hoàn thành công việc lấy mẫu, xét nghiệm và lên phương án tiêu độc. Ngày 8/9, Viện đã báo cáo kết quả lên Tư lệnh Binh chủng để chiều nay báo cáo lên Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.
Theo ông Lê Mạnh Tiến, Bộ Quốc phòng và Ủy ban chưa nhận được đề nghị phối hợp tẩy độc từ phía Hà Nội nên sáng qua, Uỷ ban đã gửi công văn tới Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô, yêu cầu báo cáo tình hình hoá chất loang ra sau vụ cháy kho bóng đèn Rạng Đông, mức độ ảnh hưởng môi trường. Ủy ban đồng thời đề xuất UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hoá học tham gia việc xử lý môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng
"Theo phân cấp của Chính phủ, UBND TP Hà Nội phải chủ trì thực hiện việc tiêu độc, các lực lượng khác chỉ phối hợp", ông Tiến nói.
Trong khi đó, trả lời VnExpress sáng nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, thành phố đã gửi công văn đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ, phối hợp xử lý ô nhiễm môi trường sau vụ cháy nhà kho công ty Rạng Đông từ ngày 5/9.
Tại họp báo Chính phủ hôm 4/9, Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết Bộ Tài nguyên Môi trường đã kiến nghị Hà Nội phối hợp Bộ Tư lệnh Hoá học (Bộ Quốc phòng) tẩy độc khu vực cháy. Chiều 5/9, theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Binh chủng Hoá học đã đến hiện trường lấy 25 mẫu kiểm tra mức độ nhiễm độc thuỷ ngân, làm cơ sở xây dựng phương án tiêu tẩy.
Kết quả cập nhật mới nhất tính đến ngày 8/9 của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, lãnh đạo Công ty Rạng Đông thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thuỷ ngân lỏng có độc tính cao hơn viên Amalgam. Đồng thời, chỉ có một mẫu không khí tại điểm quan trắc trong nhà kho bị cháy có giá trị thuỷ ngân vượt 1,02 lần (giá trị đo trung bình 24 giờ) so với tiêu chuẩn của Việt Nam và vượt 1,532 lần ngưỡng khuyến cáo của WHO thay vì cao gấp 10-30 lần mức khuyến cáo của WHO như Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã thông tin trước đó.