Tuần bình chọn cho Nền tảng họp - học trực tuyến yêu thích nhất diễn ra từ 12h ngày 14/9 đến 9h ngày 20/9, với 7 nền tảng do độc giả đề cử và được ban tổ chức lựa chọn theo các tiêu chí phù hợp. Đây đều là các ứng dụng được sử dụng nhiều để phục vụ nhu cầu học tập và làm việc từ xa tại Việt Nam thời gian qua.
Webex Meetings là nền tảng họp trực tuyến nổi tiếng được Cisco mua lại từ năm 2007. Ứng dụng hỗ trợ tối đa 100 người với cuộc họp miễn phí và 100.000 người với cuộc họp trả phí gói Enterprise (giá 680.000 đồng/tháng).
Ứng dụng cho phép chia sẻ màn hình khi thực hiện cuộc họp, hỗ trợ chat nhóm và chat cá nhân. Người dùng có thể chia sẻ ảnh GIF, biểu tượng cảm xúc, chỉnh sửa hoặc xóa tin nhắn, có thể thêm mật khẩu cuộc họp và khóa phòng. Cuộc gọi trên Webex được mã hóa với các chuẩn bảo mật hàng đầu. Ngoài ra, Webex hỗ trợ tạo phụ đề tiếng Anh theo thời gian thực, livestream trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, người dùng cần tải ứng dụng trước khi sử dụng. Ảnh: Cisco
Microsoft Teams
Teams là ứng dụng hỗ trợ tổ chức họp, hội thảo trực tuyến được Microsoft phát hành năm 2017. Phần mềm hỗ trợ tối đa 100 người trong mỗi cuộc họp miễn phí và 300 người với cuộc họp trả phí thông qua gói 365 Business Standard (230.000 đồng/tháng).
Ứng dụng họp của Microsoft hỗ trợ lưu trữ đám mây 2 GB miễn phí hoặc 1 TB trả phí. Teams cho phép ghi âm và quay video cuộc họp, chia sẻ màn hình, chat nhóm với nhiều nhóm khác nhau. Bên cạnh đó, người dùng có thể lập lịch biểu, tạo lịch họp và chia sẻ nội dung với mọi người một cách dễ dàng.
Teams được hỗ trợ trên hầu hết nền tảng máy tính và điện thoại hiện nay. Nền tảng này mã hóa cuộc gọi, bắt buộc xác thực đa yếu tố, cũng như các mức bảo mật tuân thủ cấp doanh nghiệp. Dù vậy, nhược điểm của nó là giới hạn về số kênh hoặc nhóm chat, cài đặt phân quyền hạn chế. Ảnh: Microsoft
FPT OnMeeting là sản phẩm duy nhất trong danh sách do nhà phát triển Việt Nam sản xuất. Nền tảng ra đời năm nay và hỗ trợ 200 người/cuộc họp với gói Basic (460.000 đồng/tháng) và 1.000 người/cuộc họp với gói Enterprise (2.690.000 đồng/tháng).
OnMeeting cho phép ghi âm và quay video cuộc họp, chia sẻ cùng lúc 4 màn hình khác nhau, chat và gửi tin nhắn chứa tệp đính kèm. OnMeeting có hệ thống bảo mật đa lớp, tính năng mã hóa trước truyền dẫn, xác thực người dùng và mật khẩu phòng. Nhược điểm của sản phẩm là không có bản miễn phí, cũng như giao diện chưa bắt mắt. Ảnh: FPT Telecom
Lifesize
Lifesize là ứng dụng họp trực tuyến được Lifesize (Mỹ) phát triển năm 2005. Nền tảng này cho phép tối đa 10 người tham gia cuộc họp miễn phí và 300 người tham gia cuộc họp trả phí gói Plus (360.000 đồng/tháng).
Tương tự các nền tảng họp trực tuyến khác, Lifesize cho phép người dùng ghi âm và quay video cuộc họp, nhưng chỉ hỗ trợ với bản trả phí. Tính năng chia sẻ màn hình giúp gửi nội dung độ phân giải tới 4K. Tất cả các hình ảnh cuộc họp truyền đi đều được mã hóa. Dù vậy, chi phí đầu tư cho hệ thống khá cao. Ảnh: Lifesize
Google Meet
Ứng dụng do Google phát triển, có tên cũ là Hangouts Meet, ra đời năm 2017 và nhanh chóng được nhiều người sử dụng để họp và học online. Meet cho phép số người tham gia tối đa 100 người với cuộc họp miễn phí và 250 người với cuộc họp trả phí (giá 455.000 đồng/tháng). Người dùng cũng có thể lưu trữ dữ liệu trên đám mây của nền tảng với 15 GB miễn phí, hoặc không giới hạn với bản trả phí Workspace Enterprise.
Ưu điểm của Google Meet là khả năng chia sẻ màn hình với toàn bộ hoặc một cửa sổ cụ thể trong cuộc họp, đổi hình nền, dịch ngôn ngữ, tích hợp AI... Bên cạnh đó, ứng dụng cũng có tính năng chat trong cuộc họp. Mặc định, tất cả dữ liệu trong Meet được mã hóa khi truyền giữa ứng dụng khách và Google.
Tuy nhiên, nhược điểm của Google Meet là chỉ một người tham gia có thể chia sẻ màn hình tại một thời điểm, không tích hợp các công cụ của bên thứ ba... Ảnh: Google
Zoom là bộ công cụ hội nghị trực tuyến đầy đủ dành cho người dùng cấp doanh nghiệp và cá nhân, cho phép tham gia qua web, ứng dụng chuyên dụng, tiện ích mở rộng trình duyệt và thiết bị di động sử dụng ứng dụng iPhone và Android. Ứng dụng do Zoom Video Communications (Mỹ) phát triển và phát hành năm 2013, hiện có bản miễn phí và trả phí (450.000 đồng/tháng).
Zoom hỗ trợ tối đa 100 người với cuộc họp miễn phí và 500 người với cuộc họp trả phí. Ứng dụng ghi âm hoặc quay video cuộc họp, cho phép nhiều người tham gia chia sẻ màn hình đồng thời (bản trả phí), chat nhóm... Ngoài ra, Zoom tích hợp các tính năng như phiên âm tiếng Anh trực tiếp, chia cuộc họp thành các phiên riêng biệt để thảo luận, hỗ trợ phiên dịch song song. Tuy nhiên, ứng dụng bị giới hạn thời gian cuộc họp miễn phí 40 phút, chưa có hỗ trợ video HD... Ảnh: Moscow Times
Bình chọn Nền tảng họp - học trực tuyến yêu thích nhất
Độc giả bình chọn nhanh nhất sản phẩm được yêu thích của tuần và dự đoán gần đúng nhất số người có cùng lựa chọn sẽ nhận giải thưởng là Điều khiển trình chiếu từ xa Logitech R800.
Sản phẩm tôi yêu là chương trình thường niên, diễn ra bên lề sự kiện Tech Awards do VnExpress tổ chức. Chương trình năm nay bắt đầu từ 17/8 và sẽ kéo dài 11 tuần với 11 chủ đề bình chọn. Sản phẩm đoạt giải mỗi tuần dựa trên số lượt bình chọn của độc giả và được trao chứng nhận trong Lễ trao giải Tech Awards 2021, dự kiến được tổ chức vào tháng 1/2022.
Lam Anh