Tối 19/11, Bình Ca tổ chức buổi ký tặng tiểu thuyết Đi trốn, giao lưu với hàng trăm độc giả thuộc nhiều lứa tuổi. Từng tuyên bố gác bút sau khi ra mắt Quân khu Nam Đồng, Bình Ca viết tác phẩm mới một cách tình cờ. Khi phải cách ly xã hội vì Covid-19, vợ ông vào TP HCM trông cháu. Ở nhà một mình, ông "thấy buồn chán, bèn lọ mọ sáng tác".
Bình Ca nói ông có thể viết thêm vài tập về Quân khu Nam Đồng nhưng không muốn "ăn mày dĩ vãng", nương theo thành công của tác phẩm đầu tay. Ông nói: "Với tôi, văn chương là một cuộc chơi. Nếu đã chơi, phải cố mà chơi cho đẹp. Vì thế, tôi không muốn lặp lại chính mình". Dù sinh ra trong gia đình có truyền thống văn chương với bố là nhà văn Hữu Mai, em trai là nhà thơ Hữu Việt, Bình Ca chọn hướng đi khác. Ông một đời dốc sức cho binh nghiệp, chưa từng coi viết văn là nghề.

Nhà văn Bình Ca từng lập kỷ lục với sách "Quân khu Nam Đồng" - tái bản 15 lần trong bốn năm, in 32.000 cuốn. Ảnh: Thanh Thanh.
Nghe tin Bình Ca viết sách mới, nhiều độc giả mặc định đó sẽ là Quân khu Nam Đồng tập hai hoặc điều gì đó tương tự. "Họ không biết tôi viết gì, gọi điện nhờ mua hộ vài chục cuốn tặng bạn bè. Nhiều thầy, cô giáo mua vài thùng cho học sinh đọc", nhà văn cho biết. Tuy nhiên, Đi trốn không lặp lại chủ đề của Quân khu Nam Đồng - ký ức về khu tập thể của những đứa con nhà lính.
Đi trốn là tiểu thuyết hư cấu về những đứa trẻ sinh ra trong kháng chiến chống Pháp, phải trốn chạy đến vùng an toàn. Ban đầu, ông định đặt cho tác phẩm một cái tên giật gân hơn như Cuộc phiêu lưu kỳ thú hay Cuộc phiêu lưu trong hang động. Tuy nhiên, nhà văn chọn tên Đi trốn để gợi mở trí tưởng tượng của độc giả.
>> Xem thêm: "Đi trốn" - câu chuyện về những đứa con thời chiến

Tiểu thuyết "Đi trốn" do nhà sách Nhã Nam ấn hành, in lần đầu 5.000 bản. Ảnh: Nhã Nam.
Tác giả không xác định cụ thể bối cảnh của tiểu thuyết Đi trốn. Tuy nhiên, nhiều bạn bè của ông quả quyết truyện viết về cuộc phiêu lưu ở vùng đất Ninh Bình - nơi ông từng có thời gian công tác. Nhà báo Gia Hiền - người dẫn dắt buổi giao lưu - nhận xét giọng văn của Bình Ca chân thực, lôi cuốn, khiến anh không thể dứt ra khỏi tác phẩm, đọc một mạch hơn 300 trang sách trong buổi sáng.
Nhà văn Bảo Ninh nói lối viết sinh động của Bình Ca khiến độc giả băn khoăn không biết đây là một vụ mất tích do ông tưởng tượng hay là hồi ức có thật. Bảo Ninh nói: "Dù là hư cấu hay phi hư cấu, Đi trốn vẫn là câu chuyện sinh động và cảm động. Nhà văn đã thể hiện vốn sống dày dạn, phong phú qua cách kể chuyện giản dị, lối miêu tả phác họa nhanh và tự nhiên, chữ nghĩa không cầu kỳ nhưng diễn đạt được nội tâm, suy nghĩ và lời nói của các nhân vật. Nhà văn Bình Ca dẫn dắt bạn đọc qua những chặng mạo hiểm một cách nhẹ nhàng, trữ tình, đan xen chút hóm hỉnh". Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét: "Đi trốn là câu chuyện về những đứa trẻ trong sáng và hiếu kỳ nhưng chứa đựng thông điệp lớn về cuộc đời".
Hà Thu