Ngày 17/1, nền tảng phân tích tài chính Datafinnovation cho biết Binance có vấn đề trong quản lý các token trong thời gian dài. Sau đó, Bloomberg đã liên hệ với sàn giao dịch để xác nhận. Người phát ngôn Binance nói: "Quá trình quản lý liên quan đến nhiều nhóm và không phải lúc nào cũng vận hành một cách hoàn hảo. Gần đây, chúng tôi đã cải thiện và đảm bảo việc duy trì stabelcoin (BUSD) ổn định ở mức quy đổi 1:1".
Trong thị trường tiền mã hóa, stablecoin được xem là đồng tiền quy đổi, luôn ổn định ở giá một USD. Nhà đầu tư thường chuyển tiền mặt thành stablecoin trước khi thực hiện giao dịch mua bán hoặc để dự trữ. Số lượng stablecoin phát hành thường được đối chứng với lượng tài sản họ có như USD, Bitcoin hoặc token khác. Trường hợp nổi tiếng nhất là hồi tháng 5/2022, UST (stablecoin của Terra) bị mất cân bằng giá. Vì không đủ tiền mặt để cân đối tài chính, CEO Do Kwon quyết định đúc thêm vô số Luna để bù đắp thiếu hụt, gây ra một cuộc lạm phát lớn. Kết quả là 60 tỷ USD bị thổi bay khỏi thị trường. Do đó, việc quản lý các stablecoin được các chuyên gia tài chính đặc biệt quan tâm.
Đây là lần đầu tiên Binance thừa nhận về những bất ổn liên quan đến stablecoin BUSD sau những đồn đoán cách đây một tuần. Có nghĩa không phải lúc nào một BUSD cũng có giá trị tương đương một USD. Theo dữ liệu Bloomberg công bố, số lượng BUSD trên sàn Binance thường không được thế chấp đúng mức từ năm 2020 đến 2021. Có lúc, chênh lệch giữa nguồn cung và dự trữ vượt quá một tỷ USD.
Bất thường liên quan đến BUSD bắt nguồn từ việc Binance có blockchain riêng là BNB. Một loạt ứng dụng phi tập trung được xây dựng trên đó. Nếu người nắm giữ USDC và muốn dùng trên BNB, họ sẽ được đề nghị đổi sang BUSD. Binance cam kết khi chuyển đổi, giá trị tài sản luôn được giữ nguyên. Tuy nhiên những phân tích từ Jonathan Reiter, nhà đồng sáng lập của công ty phân tích blockchain ChainArgos, cho thấy không phải lúc nào các stablecoin này cũng hỗ trợ theo tỷ giá 1:1.
Ngày 17/8/2022, Binance đã rút gần 1,8 tỷ USD USDC từ ví ký quỹ sang một ví riêng do sàn kiểm soát. Sau đó, sàn đốt khoảng một tỷ USD USDC để tăng sự khan hiếm và giá trị tài sản. Tuy nhiên, thời gian này, USDC chốt trên Binance vẫn được hỗ trợ 1:1 dù đã mất đi một tỷ USD. Đến 6/12/2022, Binance chuyển số USDC trị giá 883 triệu USD trở lại ví ký quỹ của mình. Một lần nữa nó vẫn khớp với vốn hóa thị trường của USDC chốt trên Binance.
Sau khi các thông tin này được công bố, Binance thừa nhận và cam kết sẽ hành động để tăng tính minh bạch. Công ty dự định ra mắt một website hiển thị bằng chứng về tài sản thế chấp cho các đồng tiền mã hóa do họ sở hữu. Mặc dù CEO Binance Changpeng Zhao (CZ) đã nói về việc minh bạch này khi FTX sụp đổ, đến giờ vẫn không ai biết khi nào trang web được công khai.
Theo Fortune, vốn hóa thị trường của BUSD từng cán mốc 25,5 tỷ USD hồi tháng 11/2022 nhưng sau đó giảm mạnh xuống còn 16 tỷ USD khi tin đồn xấu liên tục ập đến. Giữa tháng 12/2022, thông tin sàn giao dịch bị cơ quan Mỹ điều tra khiến hơn 900 triệu USD bị rút khỏi sàn trong 24 giờ. Sau đó, CZ trấn an cộng đồng rằng công ty vẫn đủ thanh khoản và nguồn tiền dự trữ để ổn định hoạt động. Tuy nhiên, dữ liệu Forbes thu thập cho thấy tình hình của Binance tồi tệ hơn những gì CZ nói. Tính đến 10/1, sàn mất 12 tỷ USD trong chưa đầy 60 ngày, tương đương một phần tư tài sản của sàn.
Binance đang là sàn giao dịch lớn nhất thế giới. Theo dữ liệu từ Coinmarketcap tính đến sáng 20/1, khối lượng giao dịch trên sàn đạt 13,58 tỷ USD, giảm 46,4% trong vòng 24 giờ. Trong khi sàn thứ hai Coinbase xử lý 1,5 tỷ USD giao dịch. Với quy mô và sức ảnh hưởng của mình, nhiều nhà phân tích tin CZ không để Binance đi vào vết xe đổ của FTX. Tuy nhiên, số khác lo ngại thị trường tiền mã hóa vốn quá mong manh và khó kiểm soát sau các cú sập liên tiếp, nên không có gì không thể xảy ra và người dùng cần chuẩn bị tâm lý cho những trường hợp xấu nhất.
Thảo Hiền (theo Fortune, Bloomberg)