Theo Financial Times, Changpeng Zhao (CZ) và những lãnh đạo cao cấp khác của Binance nhiều lần chỉ đạo nhân viên che giấu sự hiện diện của công ty tại Trung Quốc. Trong đó, sàn thiết lập một văn phòng hoạt động ít nhất đến 2019 và thông qua một ngân hàng Trung Quốc để trả lương cho nhân viên tại đây.
Tài liệu trang này tiếp cận được cho thấy Binance che giấu phạm vi và địa điểm hoạt động của mình khi bị các cơ quan quản lý điều tra. Nhà sáng lập CZ cũng tuyên bố công ty không có trụ sở cố định và có thể được đặt bất kỳ nơi nào ông thấy phù hợp.
Năm 2017, Trung Quốc bắt đầu siết chặt hoạt động liên quan đến thị trường tiền mã hóa. Khi đó, hơn 60 sàn giao dịch tiền điện tử rơi vào tầm ngắm của chính phủ. Nhiều sàn có trụ sở tại Trung Quốc phải thông báo chuyển ra nước ngoài để tránh bị đóng cửa. Binance cũng khẳng định chấm dứt hoàn toàn hoạt động tại quốc gia này, giải thể văn phòng.
Trên thực tế, hoạt động của Binance ở đây vẫn tiếp tục. Năm 2018, nhân viên của sàn được thông báo tiền lương sẽ được thanh toán thông qua một ngân hàng ở Thượng Hải. Sau đó, họ được yêu cầu tham dự một phiên họp về thuế tại văn phòng Trung Quốc. Giữa 2018, quản lý cấp cao của sàn thông báo các nhân viên ở văn phòng Thượng Hải không được mặc trang phục, phụ kiện có logo Binance khi xuất hiện ở khu vực quanh văn phòng. Đây cũng là nơi công ty tổ chức các buổi đào tạo cho nhân viên và các sự kiện quan trọng khác.
Hai năm sau khi CZ tuyên bố Binance rời Trung Quốc, công ty vẫn thuê một nhà phân tích dữ liệu và một chuyên gia về kế toán ở Thượng Hải. Tài liệu của Financial Times cho thấy Binance đã tìm nhiều cách che giấu sự hiện diện của mình ở Trung Quốc, như dùng mạng ảo, phần mềm riêng để người dùng có thể truy cập một số dịch vụ. Trong tài liệu của một nhân viên Binance, sàn này đã hướng dẫn những người dùng mới ở Trung Quốc cài đặt VPN trên thiết bị của họ.
Cuối 2019, nhân viên công ty được nhắc nhở: "Binance có văn phòng ở Malta, Singapore và Uganda. Vui lòng không xác nhận thông tin về bất kỳ văn phòng nào, kể cả Trung Quốc".
Phản hồi về thông tin trên, người phát ngôn của Binance nói đây là những thông tin đã cũ. Đại diện Binance khẳng định với CoinTelegraph công ty không có bất kỳ công nghệ nào, kể cả máy chủ, dữ liệu tại Trung Quốc. "Chính phủ Trung Quốc không có quyền truy cập vào dữ liệu của Binance trừ khi có yêu cầu hợp pháp về mặt luật pháp", người này nói.
Trong khi đó, trên Twitter, CZ không phản biện chi tiết báo cáo của Financial Times nhưng khẳng định: "Tính minh bạch của blockchain là bằng chứng đầy đủ để bác bỏ những thông tin không đúng sự thật trên".
Thông tin Binance vẫn tìm cách hoạt động tại Trung Quốc được công bố sau khi Binance.US đối mặt với sự giám sát ở Washington về đề xuất mua tài sản trị giá một tỷ USD của công ty cho vay tiền điện tử Voyager Digital. "Mỹ đang ở trong một cuộc cạnh tranh địa chính trị quan trọng bậc nhất. Ủy ban về Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) lo ngại về bất kỳ thỏa thuận nào có liên quan đến Trung Quốc", Financial Times dẫn lời một cựu quan chức của CFIUS.
Ngày 27/3, Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) gửi đơn kiện lên tòa án liên bang, cáo buộc Binance và một số lãnh đạo dự án thường xuyên phá vỡ các quy tắc về giao dịch của Mỹ trong quá trình trở thành sàn giao dịch lớn nhất thế giới. CFTC cũng tố Binance đã hướng dẫn khách hàng Mỹ dùng VPN để sử dụng các dịch vụ của sàn.
CEO Binance Changpheng Zhao sinh ra ở Trung Quốc và chuyển đến Canada từ nhỏ. Năm 2017, ông mở sàn giao dịch tiền mã hóa Binance, đặt trụ sở của Trung Quốc nhưng sau đó chuyển ra nước ngoài. Từ 2019, Binance cũng ngừng cung cấp dịch vụ cho người dùng Mỹ theo quy định pháp luật nước này. Hoạt động được chuyển sang cho Binance.US. Hiện công ty đã phát triển mạnh mẽ và trở thành sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới. Dữ liệu của CoinTelegraph cho thấy khối lượng giao dịch mỗi ngày trên sàn khoảng 8,5 tỷ USD. Công ty đang có 8.000 nhân viên toàn thời gian, làm việc ở khắp châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông, châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương.
Khương Nha (theo FT, Cointelegraph)