Billie Eilish gây chú ý với album đầu tay When We All Fall Asleep, Where Do We Go? (WWAFA,WDWG). Được phát hành ngày 29/3, album lập tức "công phá" các bảng xếp hạng, đứng vị trí số một tại 16 quốc gia trong đó có hai thị trường lớn Anh và Mỹ. Nữ ca sĩ 17 tuổi là người đầu tiên sinh ra trong thế kỷ 21 có album đứng đầu bảng xếp hạng Billboard 200 sau một tuần phát hành. Các trang phê bình âm nhạc Allmusic, Guardian, The Times đều đánh giá album 4/5 sao. Trong khi đó, tạp chí âm nhạc NME cho điểm tuyệt đối với mô tả "sản phẩm thay đổi âm nhạc hiện đại". New York Times khẳng định cô "không đơn thuần là một ngôi sao nhạc Pop 17 tuổi".
Billie sinh năm 2001 tại Mỹ, trong gia đình có bố mẹ là diễn viên. Cô viết ca khúc đầu tiên từ năm bốn tuổi, tưởng tượng mình bị hút vào một hố đen. Từ đó, ca sĩ tự sáng tác và thu âm tại nhà với sự giúp đỡ của Finneas - anh trai hơn cô bốn tuổi. Cuối năm 2015, cô đăng ca khúc Ocean Eyes lên trang nhạc trực tuyến Soundcloud. Ca khúc nhanh chóng nổi tiếng toàn cầu. Tính đến trước khi phát hành album đầu tay, các ca khúc trên mạng của Billie đã nhận được hơn một tỷ lượt nghe.
Cô thu hút người nghe bởi chất giọng ngọt ngào và cách hát được so sánh nhiều với nữ ca sĩ Lana Del Rey, Lorde. Cả ba có điểm chung thường hát bằng giọng trầm, khàn cùng cách nhả chữ chậm rãi. Billie cũng xác nhận Lana là niềm cảm hứng lớn đối với mình. Trong khi đó, tờ Allmusic ví cô như phiên bản "ác quỷ" của ca sĩ nổi tiếng Lorde. Chất liệu chủ đạo được Billie sử dụng là nhạc Pop, Hip hop và nhạc điện tử. Cô làm nhạc theo chủ nghĩa tối giản. Các ca khúc thường có thời lượng ngắn, ít nhạc cụ và dùng vòng hòa âm hoặc các âm thanh điện tử đơn giản. Billie sử dụng nhiều khoảng lặng trong các ca khúc, tôn lên giọng hát và tạo mạch tiết tấu chậm rãi, trầm lắng.
Các sáng tác của cô mang màu sắc u tối về quái vật, các vụ giết người và cả những suy nghĩ tự tử. Cô dùng nhiều ngôn ngữ mạng và tiếng lóng. Nhiều bài hát tạo cho người nghe cảm giác đang đọc một dòng trạng thái hay bình luận trên Instagram. Ca từ của Billie uyển chuyển và giàu chất thơ, nhiều ẩn dụ. Từ ngữ mạnh bạo nhưng không tục tĩu. "Ca khúc hiện đại thật buồn chán. 'Tôi yêu anh nhưng tôi buồn vì anh không yêu tôi'. Chúng ta có thể viết câu đó theo những cách thú vị hơn. Sáng tác của tôi giàu tính viễn tưởng. Chúng ta đâu cần giết người thật để viết một câu truyện trinh thám đúng không?" - Billie chia sẻ trong bài phỏng vấn với BBC.
Tên album WWAFA, WDWG (Khi tất cả chúng ta ngủ, chúng ta đi đâu?) là một câu hát trong Bury A Friend (tạm dịch: Chôn cất một người bạn). Tháng 6/2018, Billie tham dự đám tang rapper XXXTENTACION, bạn thân của cô. Anh này bị bắn chết trên phố khi 20 tuổi. Genius - trang web phân tích lời bài hát - cho rằng ca khúc lấy cảm hứng từ cái chết của rapper nổi tiếng. MV Bury A Friend cũng xuất hiện nhiều hình ảnh liên tưởng đến anh. Billie chia sẻ ca khúc này là điểm xuất phát cho toàn bộ chủ đề của album.
Trong sản phẩm có thời lượng hơn 42 phút, cô vẽ chân dung của bản thân: một người ngông cuồng, bất cần nhưng sống phiền muộn và luôn nghĩ về cái chết. Cô mô tả mình qua lời hát là "kẻ xấu", "muốn làm chủ thế giới", "nghiện nỗi đau và muốn tìm sự giải thoát". Các ca khúc được kết nối về cả nội dung và giai điệu. Mỗi bài hát trong album liên quan đến một hiện tượng ban đêm khác nhau mà cô từng trải nghiệm, như hội chứng bóng đè hay "giấc mơ sáng suốt" (tạm dịch từ thuật ngữ "lucid dream", giấc mơ trong đó người mơ biết mình đang mơ)...
Rocker nổi tiếng Dave Grohl gọi cô là "Kurt Cobain mới". Kurt Cobain từng tự sát khi 27 tuổi và tạo nên làn sóng u uất trong thế hệ trẻ những năm 1990 tại Mỹ. Tờ Guardian nhận định "cô là hiện thân của một thanh thiếu niên trực tuyến, sống trong một nền văn hóa phức tạp". Billie lớn lên trong xã hội Mỹ đầy rẫy bạo lực, nơi thông tin bắn giết xuất hiện liên tục trên internet và truyền thông.
Ngoài những lời khen, một số ý kiến chỉ trích cô lãng mạn hóa cái chết, trầm cảm. Theo CollegeView, thế giới đang thịnh hành một làn sóng nghệ sĩ "đau khổ". Những người này tập trung vào chủ đề các bệnh tâm lý và cổ xúy những hành vi tự hủy hoại bản thân như rạch tay, tự tử. Billie và XXXTENTACION được dùng làm ví dụ cho những nghệ sĩ nổi bật của làn sóng trên. "Họ lãng mạn hóa bệnh trầm cảm và khiến người trẻ nghĩ mắc bệnh đó là hợp mốt" - tờ báo viết.
Với hơn 17 triệu người theo dõi trên Instagram, âm nhạc và phong cách của Billie ảnh hưởng tới đông đảo người trẻ. Tháng 7/2018, cô đăng một dòng trạng thái trên Twitter: "Cuộc sống thật buồn tẻ. Tôi đã không nở nụ cười suốt tháng nay". Người hâm mộ cô lập tức hưởng ứng và tạo thành cuộc thi xem ai không cười lâu nhất.
Eillish nói nhạc của cô không làm lớn thêm nỗi buồn hay cổ vũ những cuộc thi ai chịu nhiều nỗi đau nhất. "Tôi không thấy có gì xấu khi hát về sự tổn thương. Tôi học được nhiều từ những nỗi đau quá khứ. Nhạc của tôi là sự sẻ chia và quan tâm. Tôi nghĩ fan của mình là những người sống thật với bản thân và sẵn sàng tiếp thu cái mới" - nữ ca sĩ chia sẻ cùng Apple Music.
Bên cạnh chủ đề tiêu cực, cô cũng hát về những vấn đề rất "vị thành niên" như yêu đơn phương hay chia tay bạn trai. Nhiều sáng tác của Billie cho thấy ngoài vẻ bất cần, bên trong cô gái cũng chất chứa nhiều tâm sự như bao bạn bè cùng trang lứa. Tờ Forbes nhận định: "Người hâm mộ Billie không yêu quý nữ ca sĩ vì vẻ ngoài đáng yêu mà lời bài hát của cô nói lên suy nghĩ của họ". Tạp chí từng chọn Billie vào danh sách đề cử "30 gương mặt dưới 30 tuổi của năm".
Đạt Phan