Bill Gates bỏ học Đại học Harvard năm 1975, nhưng đó không phải hối tiếc lớn nhất của ông tại cơ sở giáo dục nổi tiếng bậc nhất thế giới. Theo Business Insider, trong phiên hỏi và đáp với sinh viên Harvard hôm thứ năm tuần trước, tỷ phú 62 tuổi bày tỏ mong muốn tiệc tùng nhiều hơn và học ít hơn khi còn ngồi trên ghế giảng đường.
Câu hỏi được đặt ra bởi Danica Gutierrez, sinh viên năm thứ hai của Harvard, người nhận học bổng Gates Millennium Scholar gây tò mò: “Điều gì khiến ông hối hận vì đã làm hoặc không làm tại Harvard?”. Khán giả cười ồ với câu trả lời của Gates: “Tôi ước mình hòa đồng hơn”.
Ông thừa nhận đã bỏ lỡ rất nhiều trong những năm tháng đó. Cậu sinh viên Bill Gates chưa bao giờ đến xem một trận bóng bầu dục, bóng rổ hay bất cứ môn thể thao nào khác tại Harvard.
Steve Ballmer, cựu CEO của Microsoft học cùng trường với Gates thời điểm đó, từng cố kéo ông đến câu lạc bộ Fox, một hội nhóm nổi tiếng của sinh viên Harvard.
“Tôi đã rất khó gần, thậm chí còn không nhận ra sự tồn tại của những người xung quanh, nhưng Steve Ballmer quyết định tôi cần tiếp xúc với họ và tập uống một chút. Vì vậy, tôi đến đó và nhận ra những sự kiện này có tính giáo dục cao", Gates nhớ lại.
Ngược lại với lối sống khép kín của Gates, Ballmer rất năng nổ. Không chỉ là thành viên của Fox, ông còn quản lý đội bóng, viết bài cho hai ấn phẩm của trường.
Về sau, khi đã trở thành hình mẫu thành công của thế giới, Gates nhìn nhận thời đại học là quãng thời gian rất vui vẻ, mọi người luôn ở xung quanh và có thể trò chuyện với bạn 24 giờ một ngày. Các lớp học đều rất thú vị và bạn bè còn chia nhau thức ăn. "Tôi ước tôi từng làm quen với nhiều người hơn. Tôi chỉ giỏi học hành và đăng ký rất nhiều lớp”, ông kết luận.
Nhiều người thành công hối tiếc vì ít giao lưu thời trẻ
Gates không phải là người thành công duy nhất hiểu ra giá trị của những trải nghiệm mới và việc làm quen mọi người khi còn trẻ.
Amy Bohutinsky, giám đốc điều hành của Zillow, chia sẻ trên Business Insider hồi tháng 1: "Thời sinh viên, tôi ước mình bớt tập trung vào hình mẫu mình muốn trở thành để học hỏi thông qua các trải nghiệm. Những nghề nghiệp thú vị đòi hỏi ở bạn sự tò mò, cởi mở và đôi khi cả thất bại để tạo ra những cơ hội tốt nhất”.
Ngoài ra, bạn cùng lớp không phải những người duy nhất bạn có thể tiếp xúc. Diễn giả, tác giả Laura Vanderkam nói rằng cô ước mình đã kết nối với các giáo sư và những anh chị đi trước khi là sinh viên ở Đại học Princeton.
“Là sinh viên, bạn sở hữu cơ hội kết nối tuyệt vời. Mọi người gần như luôn sẵn sàng giải đáp các thắc mắc của sinh viên. Tôi ước mình đã chủ động hơn để tiếp cận những người đã ghé thăm đại học của mình, đã tốt nghiệp từ đó hay những kiểu kết nối khác”, Vanderkam nói.
Không chỉ thế, môi trường đại học giúp bạn gặp gỡ mọi người từ nhiều nguồn gốc và quan điểm riêng biệt. Trên tạp chí Scientific American năm 2014, Katherine W. Phillips, phó khoa tại Trường Kinh doanh Columbia chia sẻ rằng việc tương tác giữa các cá nhân đến từ các nhóm thành viên khác nhau có ý nghĩa lớn. Điều này hỗ trợ việc chuẩn bị, dự đoán các quan điểm bất đồng để tiến tới đạt sự đồng thuận trong một nhóm.