Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 4/7, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương cho biết, cơ quan này đã có cuộc họp với Cetral Group và đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam sau khi Big C đột ngột thông báo dừng mua sản phẩm may mặc trong nước từ tháng 7.
"10h sáng nay chúng tôi cùng nhiều đơn vị của Bộ đã làm việc với Tổng giám đốc Central Group, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại cuộc họp này", Thứ trưởng nói.
Sau buổi làm việc trực tiếp sáng nay, Central Group cam kết ngay trong hôm nay (4/7) sẽ mở đơn hàng cho 50 trong số 200 nhà cung cấp hàng may mặc Việt Nam. 2 tuần tới, tập đoàn này sẽ làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp Việt Nam và mở lại đơn hàng cho 100 nhà cung cấp tiếp theo. 50 nhà cung cấp còn lại sẽ tiếp tục làm việc kỹ hơn, do số doanh nghiệp này chưa đáp ứng được quy định, cam kết theo hợp đồng đã ký.
Trả lời VnExpress chiều 4/7, đại diện của Big C cũng xác nhận các thông tin trên.
Ông Đỗ Thắng Hải thông tin, việc dừng mua sản phẩm may mặc này nằm trong chiến lược xác lập lại hệ thống cửa hàng của Central Group và có thể diễn ra trong 15 ngày. Hiện Central Group có 4.000 nhà cung cấp, trong đó 200 nhà cung cấp dệt may. "Tập đoàn đã gửi thư cho nhà cung ứng, đối tác giải thích việc dừng mua hàng chỉ là tạm thời và các đơn hàng trước đó tiếp tục thực hiện", ông Hải nói.
Buổi làm việc này cũng có đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội và Central ký biên bản nguyên tắc 2 bên có sự hợp tác, nếu doanh nghiệp Việt Nam có vấn đề tương tự, Hiệp hội giải quyết phục vụ lợi ích của doanh nghiệp.
Trao đổi sau cuộc họp báo, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, 50 nhà cung cấp được mở đợt 1 là những đơn vị lớn nhất. "Tại cuộc họp, phía Central Group không phàn nàn về chất lượng hàng may mặc Việt Nam, nhưng họ thay đổi chiến lược kinh doanh mới, GO! Market với mặt hàng kinh doanh chất lượng cao nhiều hơn, nên cơ cấu lại nhóm ngành hàng. Đây là chiến lược kinh doanh mới của họ và mình tôn trọng quyết định đó và theo dõi có tuân thủ pháp luật Việt Nam như Luật cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...", bà Nga chia sẻ.
"Chúng tôi hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài nhưng kiên quyết bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt Nam", Thứ trưởng Công Thương nói thêm.
Chia sẻ với báo chí, Bộ Công Thương đánh giá cao những gì nhà đầu tư nước ngoài - Central Group đã làm khi đầu tư vào Việt Nam, như thiết lập hệ thống bán lẻ, giúp tiêu thụ hàng nông sản Việt, trực tiếp đưa hàng nông sản tới tay người tiêu dùng không qua trung gian... Tuy nhiên, trong vụ việc này thì doanh nghiệp phải giải quyết trên cơ sở hợp đồng đã ký với nhà cung cấp Việt Nam và tuân thủ quy định pháp luật như cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng.
Trước đó, trong thông báo gửi các nhà cung cấp ngày 3/7, Central Group thông báo dừng mua hàng may mặc từ các nhà cung cấp Việt Nam. Do đó, chiều cùng ngày, một số người lao động và đại diện doanh nghiệp dệt may đã đến văn phòng làm việc của Central Group ở TP HCM để tìm hiểu rõ nguyên nhân. Đến cuối giờ, trong thông cáo phát đi, Central Group giải thích động thái nằm trong quá trình xem xét lại danh mục hàng hóa và tính khả thi từ nhà cung cấp nhằm đem đến các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao nhất.
Central Group - Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan hoàn tất mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino (Pháp) vào tháng 4/2016,với giá trị thương vụ khoảng hơn một tỷ USD (23.300 tỷ đồng).
Sau khi thương vụ hoàn tất, Central Group vẫn sử dụng thương hiệu Big C và cho biết chiến lược tiếp tục đầu tư thêm các trung tâm thương mại mới, đồng thời nâng cấp các siêu thị hiện hữu thành trung tâm thương mại bán lẻ cao cấp. Cụ thể, đối với dự án nâng cấp các siêu thị Big C, từ nay đến năm 2021, Central Group Việt Nam sẽ đầu tư khoảng 30 triệu USD để nâng cấp 13 trong tổng số 34 trung tâm bán lẻ Big C lên quy mô lớn và hiện đại hơn.
Nguyễn Hoài