Hình mô phỏng Big Bang. |
Ý tưởng này có nhiều điểm giống như trong thuyết luân hồi của Ấn Độ giáo và Phật giáo, cũng như thuyết về "sự lặp lại vĩnh viễn của các hiện tượng" của Nietzsche. Tuy nhiên, Giáo sư Paul Steinhardt, tác giả của lý thuyết mới nói rằng, ông không hề quan tâm đến tôn giáo hoặc Nietzsche. "Tôi là một người thực dụng với trái tim lạnh giá. Tôi chỉ quan tâm tới khía cạnh triết lý trên nền tảng của các kết quả thí nghiệm".
Giáo sư Steinhardt cùng cộng sự là Neil Turok (cựu đồng nghiệp của Stephen Hawking ở ĐH Cambridge) đã xây dựng mô hình vũ trụ luân hồi trên thuyết string (cho rằng vũ trụ được cấu thành từ các chuỗi - string, và có vô số chiều). Theo đó, bên cạnh vũ trụ của chúng ta còn tồn tại một vũ trụ khác, như hai bàn tay khép lại với nhau. Chúng được ngăn cách bởi một chiều không gian thứ 5 (trong vũ trụ của chúng ta, không - thời gian làm thành một hệ tọa độ 4 chiều). Giữa hai vũ trụ tồn tại một trường lực, khiến chúng hút và đẩy nhau theo chu kỳ, như sự vỗ tay đều đặn của hai bàn tay. Cứ mỗi lần hai bàn tay chạm vào nhau là chiều không gian thứ 5 biến mất, và một lần nữa lại xuất hiện Big Bang. Và thế giới lại hình thành từ đầu. Cứ như vậy, không có điểm bắt đầu và kết thúc.
Gabriele Veneziano, một trong những người tiên phong xây dựng thuyết string, thuộc Trung tâm nghiên cứu hạt nhân CERN, rất tâm đắc với học thuyết mới. Ông nói: "Đây có lẽ là thời điểm mà chúng ta nên chấp nhận Big Bang có thể là kết quả của một cái gì đó, chứ không chỉ là nguyên nhân của tất cả".
Minh Hy (theo dpa)