Theo Sina, nghệ sĩ mất tại bệnh viện ở Thượng Hải, rạng sáng 9/5. Giai đoạn cuối đời, Tần Di sống trong bệnh viện vì sức yếu. Trên Weibo, hàng loạt nghệ sĩ gốc Hoa thương tiếc Tần Di, đạo diễn Trần Khải Ca viết: "Lần đầu gặp bà, tôi mới là một đứa trẻ, lúc đó tôi thấy bà thật đẹp, đoan trang. Tôi vô cùng may mắn khi mời được bà đóng Yêu miêu truyện". Đạo diễn cho biết khi đóng tác phẩm, Tần Di 95 tuổi, luôn tranh thủ luyện thoại trong giờ nghỉ. Ông nhận xét bấy giờ, bà vẫn tỏa sáng, thần thái sang trọng, cuốn hút.
Tài tử Âu Dương Phấn Cường, đóng Giả Bảo Ngọc trong Hồng lâu mộng 1987, gọi Tần Di là "Nữ thần của một thế hệ", còn diễn viên Tôn Thiến viết: "Bà đã đi hết 100 năm đời người một cách thanh lịch, không còn bệnh tật, không còn khổ đau. Dù cuộc đời mang tới vinh quang hay khổ nạn, bà luôn điềm tĩnh đối diện".
Theo The Paper, Tần Di là một trong biểu tượng của điện ảnh Trung Quốc thời kỳ đầu. Khí chất trang nhã của bà không đến từ cuộc sống sung túc, nhàn hạ mà được hình thành từ tháng ngày vất vả, nhiều thăng trầm. Hồi tháng 1, khi Tần Di đón sinh nhật 100 tuổi, cây bút Trần Thần của Thepaper viết: "Cuộc đời Tần Di gắn liền hai từ xinh đẹp. Người người đều nói bà đẹp, vẻ đẹp không dừng lại ở bề ngoài hay diễn xuất. Cuộc đời bà đẹp còn vì thái độ sống lạc quan, mạnh mẽ vượt qua những khó khăn, thử thách".
Theo Chengdu, "trang nhã" là từ mà truyền thông, khán giả dùng nhiều nhất khi nhắc đến Tần Di. Nhiều nữ diễn viên thế hệ sau bắt chước bà ở phong thái, cử chỉ, cách ăn mặc. Diễn viên Đồng Thụy Hân kể có lần tới thăm Tần Di nhưng bà không có nhà, hỏi người chăm sóc Tần Di, Thụy Hân mới biết bà đi uốn tóc. Lúc đó, nghệ sĩ ngoài 90 tuổi. Đồng Thụy Hân nói: "Nhớ lại, tôi nhận ra mỗi lần gặp nghệ sĩ, bà đều gọn gàng, xinh đẹp và thanh lịch".
Tần Di sinh năm 1922 ở Thượng Hải, đóng phim đầu tay năm 1939. Bà xây dựng nhiều hình tượng phụ nữ độc lập, tự tin, mạnh mẽ trong các tác phẩm như Tình yêu xa xôi, Bài ca thanh xuân... Giai đoạn cuối đời, Tần Di đóng Những phụ nữ đó, Yêu miêu truyện, Dương Quý Phi (hợp tác Phạm Băng Băng, Lê Minh)... Tần Di đoạt danh hiệu Nữ diễn viên chính xuất sắc giải Kim Ưng 1983 - năm đầu tiên tổ chức.
Tần Di tự nhận cuộc đời bà nhiều đau khổ. Nghệ sĩ kết hôn lần đầu năm 17 tuổi, bị bạo hành do chồng nghiện rượu. Theo Sina, Tần Di từng bị chồng cầm ô phang vào đầu chỉ vì bà chậm mở cửa khi ông về nhà. Nghệ sĩ từng muốn sớm ly hôn nhưng phát hiện mang thai nên duy trì cuộc hôn nhân. Sau sinh, dù đau ốm, bà đảm đương hầu hết công việc trong nhà. Khi chồng cũ định mang con cho người khác, Tần Di kiên quyết ly dị, làm mẹ đơn thân.
Năm 1947, Tần Di đi bước nữa với diễn viên Kim Diễm, sinh con trai Kim Tiệp năm 1948. Thập niên 1960, nghệ sĩ mắc bệnh ung thư đại trực tràng, phải phẫu thuật. Giai đoạn này, Kim Diễm cũng đổ bệnh, nằm liệt giường. Tần Di chăm sóc chồng cho tới khi ông mất năm 1983.
Con trai của Tần Di mắc bệnh tâm thần phân liệt từ sau Cách mạng Văn hóa (1966-1976). Những sinh hoạt thường ngày của Kim Tiệp như tắm rửa, cắt tóc, cạo râu... đều do mẹ giúp đỡ. Kim Tiệp mất năm 2007.
Trên Thepaper, Tần Di từng nói về đời bà: "Tôi từng hạnh phúc, vui vẻ cũng từng oán hận. Thời gian không quay lại, chi bằng đối diện mọi điều xảy đến. Đã sống thì không lùi bước".
Như Anh