Tôi tạo điểm nhấn kiến trúc là những cây cột sảnh ốp đá granite đen, những chậu cảnh đặt bên cạnh, mái giả phía mặt tiền và sân thượng phía sau có một góc nhỏ để uống café cuối tuần. Anh trả lời rằng rất thích thiết kế này nhưng đành phải lựa chọn bản vẽ khác để thi công. Kinh phí của anh không đủ, hơn nữa cuộc sống sinh hoạt của gia đình lúc đó không có điều kiện để “màu mè” như vậy. Tóm lại là bản vẽ của tôi được đánh giá đẹp nhưng không phù hợp với công năng sử dụng của gia đình.
Cho đến bây giờ đó vẫn là một bài học lớn cho tôi trong ngành xây dựng. Một công trình trước khi đáp ứng các yêu cầu thẩm mỹ cần đảm bảo phù hợp về công năng và hợp lý về chi phí.
Tôi nhớ đến bài học vỡ lòng của mình khi tìm hiểu những phương án thiết kế sân bay Long Thành được công bố gần đây. Sân bay chính là cửa ngõ của một quốc gia và số lượng hành khách, hàng hóa trung chuyển thông qua sân bay quốc tế phần nào sẽ nói lên sự thịnh vượng của quốc gia đó. Việt Nam quyết định xây sân bay Long Thành là để tăng thêm số lượng máy bay ra vào, tăng tuyến, tăng hành khách và hàng hóa trung chuyển mà Tân Sơn Nhất đã không thể đáp ứng được theo đà phát triển.
Do đó bài toán lớn nhất đặt ra cho kiến trúc sư trong việc thiết kế sân bay Long Thành là ở khả năng tiếp nhận và check-in cùng lúc một lượng máy bay và hành khách lớn. Muốn tăng thêm hành khách và hàng hóa, đòi hỏi phải thêm máy bay, muốn thêm máy bay lại phải xây thêm cổng ra vào và số lượng cổng ấy sẽ phụ thuộc vào diện tích bề mặt khu vực sân bay. Đó là lý do hầu hết các nhà ga sân bay trên thế giới đều hẹp, trải dài và đấy cũng được đánh giá là thiết kế đơn giản và tối ưu.
Vì vậy, khi tìm hiểu 9 mẫu thiết kế sân bay Long Thành, tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy hoạch tổng thể, công năng sử dụng, khả năng đáp ứng các chuyến bay trong nước và quốc tế, tính thuận lợi cho máy bay vào ra… Nhưng các thuyết trình chủ yếu nhấn mạnh vào tạo hình cũng như tính biểu tượng của công trình. Đa số mô phỏng những biểu tượng khá cũ mòn như cánh én, cánh bướm, đặc biệt có ba thiết kế chung ý tưởng hoa sen.
Trên thế giới vẫn có những nhà ga sân bay thiết kế hình cánh bướm, cánh én. Chẳng hạn Sân bay quốc tế Chhatrapati Shivaji tại thành phố Mumbai, Ấn Độ. Nhưng đấy là vì các kiến trúc sư khi ấy đứng trước thử thách là địa điểm xây sân bay nằm giữa một khu đất chật hẹp. Họ đã phải kéo dãn ra ba hướng để tạo hình cánh bướm, qua đó có thêm diện tích mà xây cổng vào máy bay.
Cánh bướm Chhatrapati Shivaji đã được tạo ra vì công năng sử dụng, chứ không vì mang tính biểu tượng.
Hoàn cảnh xây sân bay Long Thành khác hẳn. Nếu như sân bay Chhatrapati Shivaji phải xây trên một khu đất rộng 490 ha, bên cạnh một sân bay cũ vẫn hoạt động, thì Long Thành được xây mới hoàn toàn trên một khu vực trống với diện tích toàn sân bay vào khoảng 26.000 ha, trong đó phần diện tích sân bay là 5.000 ha.
Các mẫu thiết kế của sân bay Long Thành sử dụng khá nhiều hình ba cạnh mà theo tôi có nhiều hạn chế đối với thiết kế sân bay, như: Tạo ra nhiều góc khó cho máy bay vào ra; Cắt nhỏ diện tích sân bay thành các khoang riêng biệt và có thể gây mật độ giao thông tập trung ở các nút giao ba cạnh. Tôi vẫn hy vọng, sân bay Long Thành cuối cùng sẽ chọn được một thiết kế có công năng tối ưu, giá trị sử dụng bền vững, chi phí xây dựng hợp lý, sau đó mới tính đến giá trị biểu tượng.
Từng làm việc với nhiều thiết kế ở nước ta, tôi không ngạc nhiên khi công năng sử dụng, hiệu quả kinh tế thường bị coi nhẹ hơn so với các yếu tố bên ngoài như tạo hình, tính biểu tượng. Lối tư duy thiên về biểu tượng, sở thích biểu tượng, thói quen tự vỗ về bằng biểu tượng vẫn hằn sâu vào đời sống hiện đại.
Điều này không chỉ tồn tại trong lĩnh vực kiến trúc mà xuất hiện ở rất nhiều phương diện đời sống. Chẳng hạn đèn đường trang trí hiện nay cũng phải cố tạo dáng rồng bay phượng múa, hoa sen, cánh én… bất chấp tính thẩm mỹ và sự hợp lý về tỷ lệ…
Chừng nào trong đầu đề đặt ra cho các công trình, yêu cầu “giữ gìn bản sắc dân tộc” vẫn còn được đặt ngang hàng với các yêu cầu về công năng, hiệu quả sử dụng; chừng nào, biểu tượng vẫn là thứ án ngữ trong cách tư duy của xã hội, tôi tin rằng, người ta sẽ còn tiếp tục tô vẽ vẻ ngoài hơn là tính hiệu quả.
Tư duy biểu tượng, tôi tưởng, đã thuộc về quá khứ - thời người ta sống chủ yếu bằng các giá trị tinh thần. Nhưng có lẽ tôi đã nhầm.
Dũng Phan